Hàng loạt bộ ngành, địa phương "quên" báo cáo việc giám sát doanh nghiệp nhà nước

14/10/2019, 13:39

TCDN - Trong số 36 cơ quan đại diện chủ sở hữu thuộc danh mục có thực hiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2016-2017 chưa gửi báo cáo kết quả giám sát về Bộ Tài chính có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Điện Biên, Bình Thuận, Hậu Giang, Nghệ An, Thái Bình,…

Ngân hàng Nhà nước - Một trong số những đơn vị chưa gửi báo cáo tình hình giám sát việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp về Bộ Tài chính.

Ngân hàng Nhà nước - Một trong số những đơn vị chưa gửi báo cáo tình hình giám sát việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp về Bộ Tài chính.

Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định, Thủ tướng và Bộ Tài chính đã có chỉ đạo nhưng không ít bộ ngành, địa phương vẫn không thực hiện việc gửi báo cáo tổng hợp giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2016-2017.

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2018, Bộ đã ban hành Quyết định số 405/QĐ-BTC  về việc công bố Kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải gửi Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và kết quả giám sát về Bộ Tài chính trước ngày 31/5/2018 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2018, chỉ có 3 cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện gửi báo cáo kết quả giám sát về Bộ Tài chính là: Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và tỉnh Bình Định. Trong đó, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện giám sát Công ty TNHH MTV ITAXA, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện giám sát Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc (doanh nghiệp cấp II) và tỉnh Bình Định thực hiện giám sát Công ty TNHH Xổ số Kiến thiết Bình Định theo quy định tại Điều 4 Thông tư 200/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Còn lại 36 cơ quan đại diện chủ sở hữu thuộc danh mục có thực hiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2016-2017 nhưng chưa thực hiện gửi báo cáo kết quả giám sát về Bộ Tài chính theo quy định, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Điện Biên, Bình Thuận, Hậu Giang, Nghệ An, Thái Bình,…

Bên cạnh đó, trong công văn số 427/BYT-KHTC ngày 18/01/2018 của Bộ Y tế về việc Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Kế hoạch giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Bộ Y tế thực hiện đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Tổng công ty Dược Việt Nam năm 2016 nhưng không đề xuất kế hoạch giám sát.

Trong công văn số 773/THVN-KHTC ngày 30/5/2017 về việc tổng hợp báo cáo tình hình đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp năm 2016, Đài Truyền hình Việt Nam có thực hiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2016 nhưng không đề xuất kế hoạch giám sát.

Ngoài ra, trong báo cáo gửi về Bộ Tài chính, một số địa phương có thực hiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2016 và năm 2017 nhưng không nêu rõ có thực hiện giám sát hay không như các tỉnh: Phú Yên, Tiền Giang,...; một số địa phương chỉ nêu tổ chức giám sát chứ không nêu rõ là giám sát trực tiếp hay giám sát gián tiếp như các tỉnh: Đồng Nai, Quảng Trị,…

Bộ Tài chính cho biết, các cơ quan đại diện chủ sở hữu còn lại chưa thực hiện gửi báo cáo rà soát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và kết quả giám sát về Bộ Tài chính nên Bộ Tài chính không có cơ sở để tổng hợp về việc tổ chức giám sát.

Riêng đối với việc giám sát Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Tài chính đang chủ trì triển khai giám sát trực tiếp tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) về việc bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - Vinachem giai đoạn 2012-2015.

Cũng theo Bộ Tài chính, Về tình hình gửi báo cáo đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2016 và 2017, đến thời điểm ngày 31/12/2018, Bộ Tài chính đã nhận được tổng cộng 70 công văn báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và Kế hoạch giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp của các cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Có 16/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; 3/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa gửi Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ.

Có 54/63 địa phương đã gửi Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; 9/63 địa phương chưa gửi Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là: Cao Bằng, Đắk Lắk, Hải Phòng, Kiên Giang, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ninh.

Nguyễn Mai
Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt bộ ngành, địa phương "quên" báo cáo việc giám sát doanh nghiệp nhà nước tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tăng tốc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Sáng 8/8, Diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phối hợp với Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và Ngân hàng BIDV diễn ra tại khách sạn Bảo Sơn, Hà Nội.