Tăng tốc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

08/08/2019, 08:13

TCDN - Sáng 8/8, Diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phối hợp với Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và Ngân hàng BIDV diễn ra tại khách sạn Bảo Sơn, Hà Nội.

IMG_5736

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lớn, một trong 3 trụ cột trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đã được khằng định trong Nghị quyết Đại hội 12; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.

Chủ trương này mà trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định và cụ thể hóa tại Nghị quyết số 12-NQ/TW năm 2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Triển khai chủ trương của Đảng, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, Chính phủ đã ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách và chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch và gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Đến nay, mới hoàn thành cổ phần hóa 35/127 doanh nghiệp, đạt 27,5% danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 991; hoàn thành bán vốn nhà nước tại 88/403 doanh nghiệp, đạt 21,8% danh mục doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg.

Tổng biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp Hà Khắc Minh phát biểu khai mạc diễn đàn.

Tổng biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp Hà Khắc Minh phát biểu khai mạc diễn đàn.

IMG_5810

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết Quý 2/2019, có 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN.

Lũy kế đến hết Quý 2/2019, đã có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

Về tình hình thoái vốn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp. Tính đến hết Quý 2/2019, có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý 2/2019: Thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.

Tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg. Lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý 2/2019: cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).

Tình hình thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước theo Đề án cơ cấu lại. Theo đó, tính đến hết Quý 2/2019, các tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn với tổng giá 1.333 tỷ đồng, thu về 2.174 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2016 đến hết Quý 2/2019: Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 15.821 tỷ đồng, thu về 50.630 tỷ đồng, trong đó:

Thoái vốn tại các lĩnh vực nhạy cảm 4.617 tỷ đồng, thu về 5.888 tỷ đồng; Thoái vốn tại các lĩnh vực khác 4.917 tỷ đồng, thu về 8.807 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn với giá trị 6.286 tỷ đồng, thu về 35.933 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, tổng số thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2019: thoái 2.092 tỷ đồng, thu về 3.831 tỷ đồng.

Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến hết Quý 2/2019: thoái 24.157 tỷ đồng, thu về 169.787 tỷ đồng.

Về kế hoạch và tình hình sử dụng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 30.000 tỷ đồng từ Quỹ vào ngân sách nhà nước, số còn phải chuyển về NSNN trong năm 2019 là 20.000 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến Quý 2/2019, đã chuyển 185.000 tỷ đồng, còn phải chuyển 65.000 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về SCIC theo Quyết định của Thủ tướng giai đoạn 2017 - 2020 các Bộ, ngành, địa phương phải chuyển giao về SCIC 62 doanh nghiệp (4 DN năm 2017, 55 DN năm 2018, 3 DN năm 2019).

Tính đến hết năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành chuyển giao 30/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 4.069 tỷ đồng (trong đó, năm 2017 đã chuyển giao 21 doanh nghiệp với số vốn nhà nước là 822 tỷ đồng, năm 2018 đã chuyển giao 9 doanh nghiệp với số vốn nhà nước là 3.248 tỷ đồng).

Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 2 doanh nghiệp bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC (Công ty cổ phần phát triển văn hóa du lịch Vũng Tàu với số vốn nhà nước là 751 triệu đồng, Tổng công ty Thép Việt Nam với số vốn nhà nước là 6.368 tỷ dồng). Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 29 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng.

Hội thảo có sự tham dự của các khách mời là đại diện Bộ Tài chính, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và các doanh nghiệp:

- Ông Đặng Quyết Tiến: Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

- Ông Trần Nguyên Nam: Phó trưởng Ban phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp Tổng công ty SCIC

- Ông Nguyễn Như Quỳnh: Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội

- Ông Vũ An Khang: Tổng giám đốc Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) cùng đại diện lãnh đạo của gần 100 doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến phát biểu tại diễn đàn.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến phát biểu tại diễn đàn.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước dù chưa đạt được mục tiêu đề ra ban đầu, song cũng đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể, đến hết Quý 2/2019, đã có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg; có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý 2/2019: Thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.

Tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg. Lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý 2/2019: cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).

Tình hình thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước theo Đề án cơ cấu lại. Theo đó, tính đến hết Quý 2/2019, các tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn với tổng giá 1.333 tỷ đồng, thu về 2.174 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2016 đến hết Quý 2/2019: Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 15.821 tỷ đồng, thu về 50.630 tỷ đồng,

Ông Tiến cho rằng, chính những kết quả trên đã tiếp tục khẳng định cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Đến nay cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.

Kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Cũng theo ông Tiến, vừa qua, Bộ Tài chính đã nhận được khá nhiều kiến nghị liên quan đến cơ chế cổ phần hóa và thoái vốn như: thống nhất cách hiểu các kiến nghị đã được quy định tại cơ chế, chính sách về tài chính doanh nghiệp, sắp xếp cổ phần hóa để triển khai thực hiện; về xác định giá trị các quyền sở hữu trị tuệ bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu, tên thương mại; nguyên tắc xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán và giá bán cổ phần mà nhà đầu tư phải thanh toán khi giao dịch ngoài sàn; việc tính toán chi phí đối với trường hợp chuyển nhượng vốn Nhà nước...

Nói về những hạn chế, tồn tại của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đại diện Bộ Tài chính cho hay, hiện một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Đại diện lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp mong muốn sẽ nhận được những kiến nghị, đề xuất từ các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty về quá trình thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng như những vấn đề mới phát sinh để cơ quan quản lý kịp thời bổ sung, sửa đổi các quy định, chính sách có liên quan để quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hoàn thành mục tiêu như đã đề ra.

Ông Trần Nguyên Nam, Phó ban phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC tham luận tại diễn đàn.

Ông Trần Nguyên Nam, Phó ban phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC tham luận tại diễn đàn.

Ông Trần Nguyên Nam: Phó trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC cho biết, lũy kế từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.059 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước gần 21.500 tỷ đồng (trong đó có 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã cổ phần hóa).

Với các nỗ lực của SCIC, đa số các doanh nghiệp nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Cổ tức bằng tiền giai đoạn 2011-2019 của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC tại thời điểm 30/6/2019 lũy kế là 29.900 tỷ đồng.

Đến 30/6/2019, danh mục doanh nghiệp của SCIC gồm 145 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước gần 28.950 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 99.500 tỷ đồng. Trong đó có: 14 doanh nghiệp nhóm A1 chiếm tỷ trọng 48% giá trị vốn nhà nước, 37 doanh nghiệp nhóm A2 chiếm tỷ trọng 2% giá trị vốn nhà nước, 17 doanh nghiệp nhóm B1 chiếm tỷ trọng 45% giá trị vốn nhà nước và 77 doanh nghiệp nhóm B2 chiếm tỷ trọng 5% giá trị vốn nhà nước.

Ông Nam cho rằng, nhìn chung, công tác cổ phần hóa tuy chậm so với kế hoạch nhưng với sự chủ động báo cáo, đề xuất của SCIC, các khó khăn vướng mắc đã có hướng xử lý cụ thể, đặc biệt là phê duyệt phương án sử dụng đất.

Đối với công tác bán vốn, trong những năm qua, SCIC tập trung mạnh mẽ vào hoạt động bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ. SCIC đã thực hiện thoái vốn thành công tại gần 1.000 DN (trong đó thoái hết vốn tại 896 DN), đạt hiệu quả cao, thu được gần 47.200 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với giá vốn. Trong số đó, có một số doanh nghiệp lớn đã thoái như: CTCP Sữa Việt Nam (bán 5.4% năm 2016 và 3.3% năm 2017, thu về 20.276 tỷ đồng), CTCP Nhựa Bình Minh (bán năm 2018, thu về 2.330 tỷ đồng…), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng - Vinaconex (bán năm 2018 thu về 7.366 tỷ đồng)…

Trong giai đoạn 2017 đến hết tháng 6/2019, SCIC đã bán vốn tại 51 DN (bao gồm: Vinamilk và Nhựa Bình Minh), trong đó bán hết vốn tại 47 DN, bán bớt vốn tại 04 DN. Tổng giá trị thu được là 20.110 tỷ đồng, trên giá vốn là 3.469 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 16.642 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,8 lần (cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011-2015 là 1,48 lần). Về số lượng DN bán vốn, SCIC đạt khoảng  38% so với danh mục bán vốn được giao tại Quyết định 1001 (47/138 DN), trong đó có một số DN quy mô lớn: Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Vinaconex,...

6 tháng đầu năm 2019, SCIC đã bán vốn thành công tại 04 doanh nghiệp: CTCP Cơ khí Tuyên Quang, CTCP công nghệ điện tử, cơ khí và môi trường EMECO, CTCP Phát triển nhà Cần Thơ, CTCP nước khoáng Sơn Kim, với doanh thu thu được là gần 166 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với giá vốn, chênh lệch bán vốn là 130 tỷ đồng (mức bình quân cả nước là 1,78 lần).

Hoạt động bán vốn nhà nước của SCIC đã được triển khai thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp, công khai minh bạch, đạt được hiệu quả cao. Kinh nghiệm bán vốn nhà nước thành công của SCIC đã được nghiên cứu để đẩy mạnh áp dụng chung cho các DNNN, tập đoàn, tổng công ty nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Công tác đầu tư kinh doanh vốn, ông Nam cho biết với nguồn vốn điều lệ và vốn tích tụ trong quá trình kinh doanh, tổng vốn đầu tư đã giải ngân của SCIC  từ khi thành lập đến 30/6/2019 là khoảng 28.250 tỷ đồng, trong đó: Đầu tư mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các doanh nghiệp tiếp nhận: 14.350 tỷ đồng; Đầu tư thành lập mới và đầu tư cổ phiếu: trên 6.000 tỷ đồng; Đầu tư trái phiếu 6.850 tỷ đồng; Đầu tư theo chỉ định hơn 1.000 tỷ đồng.

Nhìn chung, hoạt động đầu tư của SCIC trong thời gian qua đã tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, gắn với thị trường và đạt hiệu quả khá cao, nhất là đối với các khoản đầu tư mua cổ phiếu phát hành cho các cổ đông hiện hữu. SCIC đã và đang trở thành đầu mối tích tụ vốn và là công cụ quan trọng để Chính phủ thực hiện một số khoản đầu tư theo chỉ định.

Bên cạnh những kết quả trên, đại diện SCIC cho biết, doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Cụ thể, việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, quy mô hạn chế; Việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn do đa số doanh nghiệp khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết. Doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước cao (có trường hợp đến hơn 90%) thì hoạt động không hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính từ giai đoạn trước.

Về công tác cổ phần hóa, SCIC cho hay, doanh nghiệp này gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc vì hầu hết các công ty TNHH 1, 2 TV mà SCIC tiếp nhận có quy mô nhỏ, còn nhiều tồn tại vướng mắc về tài chính kéo dài, đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí mất hết vốn nhà nước không đủ điều kiện triển khai cổ phần hóa.

Đối với công tác thoái vốn nhà nước, địa diện SCIC cho biết, nhìn chung, pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp thông tư. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc nên trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp nhà nước thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, còn tồn tại khá nhiều vướng mắc về phía doanh nghiệp là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối (trên 51%) tại doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước; doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; Giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư...

Trước thực tế trên, đại diện SCIC đã đưa ra hàng loạt kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thoái vốn nhà nước, trong đó ưu tiên nhất là cần tạo môi trường để tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Theo đó, cơ quan quản lý cần xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước một cách tổng thể; các bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC.

Riêng đối với quá trình cổ phần hóa, SCIC đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất và phương án sử dụng đất doanh nghiệp mà SCIC cổ phần hóa theo Quyết định số1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017.

Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên – Môi trường và các cơ quan chức năng có liên quan sớm ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý về các vấn đề phát sinh liên quan đến việc xây dựng phương án cổ phần hóa, chính sách đối với người lao động dôi dư…

SCIC cũng kiến nghị cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn và việc thu hồi nợ theo hướng việc theo dõi và thu hồi nợ cần được coi là công việc thường xuyên cả trước, trong và sau khi bán cổ phần đối với các doanh nghiệp. Cho phép SCIC thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường như DATC hay VAMC...

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho rằng, các chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, trong đó dễ thấy nhất là giúp rút ngắn thời gian giao dịch cổ phần IPO; Hạn chế tình trạng doanh nghiệp chây ì, né tránh việc niêm yết, đăng ký giao dịch sau CPH, tạo niềm tin cho nhà đầu tư mua cổ phần, theo đó hoạt động đấu giá CP sôi động hơn

Đồng thời góp phần tăng quy mô, thanh khoản TTCK, đưa phương thức đấu giá IPO ở Việt Nam đến gần với thông lệ quốc tế; tăng cường khả năng huy động vốn; Công khai minh bạch thông tin, đổi mới về quản trị…Và pPhần lớn các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa một thời gian đều có kết quả hoạt động tốt.

Cũng theo ông Quỳnh, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa là trụ cột của TTCK Việt Nam. Nếu tính riêng số doanh nghiệp niêm yết thì hiện có đến 162 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 44%, còn trên thị trường Upcom thì có đến 457 doanh nghiệp cổ phần hóa, chiếm 54%.

Đại diện lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; Có biện pháp đôn đốc và xử lý nghiêm đối với những DNNN CPH từ trước đây nhưng vẫn chưa đưa CP lên UPCoM.

Cơ quan chức năng cũng cần có các giải pháp nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường UPCoM. Cùng với đó là phải nâng cao tính công khai, minh bạch và chất lượng hoạt động, quản trị của DNNN CPH.

Chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long trình bày tham luận tại diễn đàn.

Chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long trình bày tham luận tại diễn đàn.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long, khi nhắc đến cổ phần hóa, thoái vốn, một trong những điều chúng ta vẫn thường nghe đến nhất là “đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước” hoặc “bán được giá cao nhất” và “không gây thất thoát cho Nhà nước”.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bên cạnh mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước với hiệu quả cao nhất, việc CPH, thoái vốn nhà nước còn nhắm đến những mục tiêu quan trọng và dài hạn hơn là giúp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính để từ đó tạo điều kiện cho phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy còn không ít khó khăn để có thể đạt được những mục tiêu này. Cụ thể là việc Nhà nước còn nắm tỉ lệ sở hữu lớn khiến doanh nghiệp nhà nước khó thay đổi về chất. Trong nhiều trường hợp, chậm cổ phần hóa, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn.

Ông Long dẫn ví dụ như Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico), năm 2011, đã có đại gia ngoại mua 30% cổ phần với giá hơn 200.000 đồng/cổ phiếu; tròn 1 năm trước lên sàn với giá 31.000 đồng/cổ phiếu; đến giờ chỉ còn 12.000 đồng/cổ phiếu và hoàn toàn không có giao dịch. Công ty hoạt động lỗ liên tục từ 2015 đến nay.

Công ty mẹ của Halico là Habeco cũng xuống dốc, lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.100 tỷ (năm 2014) xuống còn 310 tỷ theo số kế hoạch năm 2019; thị phần giảm từ 21% xuống còn 16%.

“Những trường hợp như thế này, nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn vướng mắc để thoái càng nhanh càng tốt, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn nếu kéo dài thời gian thoái vốn”, ông Long nói.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho biết, sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp đã yếu kém sẽ lại càng yếu kém hơn, và Nhà nước sẽ càng khó khăn hơn khi thoái vốn.

TS Ngô Trí Long nhìn nhận, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian qua bị chậm lại có thể do những nguyên nhân khách quan như nhiều quy định pháp lý chặt chẽ hơn, một số khâu, công đoạn buộc phải kéo dài để tránh thất thoát như việc xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý đất đai trước khi cổ phần hóa…

Trước thực tế đó, ông Long đưa ra một đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước:

Thứ nhất, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của Bộ ngành và các bên liên quan trong cổ phần hóa, thoái vốn khi mà kế hoạch, danh mục Thủ tướng đã phê duyệt cho cả giai đoạn rồi.

Đối với những trường hợp có vướng mắc, đặc thù hoặc chưa có quy định rõ ràng của pháp luật thì cần quy định rõ thẩm quyền do ai phải đề xuất phương án xử lý; ai có đủ thẩm quyền phê duyệt.

Tránh tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc, không “tròn vo, đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh” gây ách tắc, trì trệ mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc đến trong một cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp vào cuối tháng 7.

Thứ hai là, trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến cho rằng cứ bán công ty cho nhà đầu tư ngoại là coi như “mất tất” hoặc “mất thương hiệu”. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện của một quốc gia thì việc đánh giá cái được, cái mất cần phải thực hiện một cách toàn diện. Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc bán cho nhà đầu tư chiến lược trong nước cũng đã để lại những bài học như trường hợp CPH Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) - một thương hiệu điện ảnh có tuổi đời gần 60 năm. Nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso) không hề có kinh nghiệm và khả năng trong lĩnh vực sản xuất phim.

“Và tôi cũng tin rằng, không ít những nhà đầu tư chiến lược Việt khác tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp”, ông Long nêu vấn đề.

Một vấn đề khác, theo chuyên gia Ngô Trí Long là khá quan trọng. Đó là trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại sẽ không thực sự quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm với thị trường Việt Nam, có cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn, có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt.

“Có như vậy thì quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại đoanh nghiệp mới thực sự trở thành công cụ hiệu quả giúp Nhà nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn theo đúng chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đề ra”, TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.

Ông Vũ An Khang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC).

Ông Vũ An Khang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC).

Ông Vũ An Khang, Tổng giám đốc Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) cho rằng,  dù các văn bản quy phạm phát luật về cổ phần hóa, thoái vốn ngày càng hoàn thiện, nhưng áp dụng vào trong thực tế muôn màu, muôn vẻ nên đơn vị tư vấn và doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:  

Đối với phương án sử dụng đất: Theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP: các doanh nghiệp cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.

Tuy nhiên nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty hiện đang xin giãn tiến độ cổ phần hóa do nhều nguyên nhân, trong đó hầu hết bị chậm trễ trong công tác trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất.

Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa VVFC đề xuất Nhà nước cho phép kết hợp xác định giá trị doanh nghiệp đồng thời với việc tiếp tục trình duyệt phương án sử dụng đất và phải hoàn thành trước thời điểm kết thúc quá trình xác định GTDN. Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu để xảy ra chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất.

Đối với đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm:

Sự khác nhau giữa Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP đang là vấn đề bất cập vì cổ phần hóa và thoái vốn bản chất đều là bán vốn Nhà nước, cụ thể:

Theo Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn, đơn vị thuê đất hàng năm nộp tiền thuê đất theo giá đất cụ thể, chỉ ổn định trong một chu kỳ ngắn và cũng không được cho thuê lại đất.

Nghị định 126/2017/NĐ-CP không quy định giá trị lợi thế đối với quyền thuê đất hàng năm. Trong khi đó khi xác định giá trị vốn Nhà nước để thoái tại doanh nghiệp, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP lại yêu cầu phải xác định đầy đủ giá trị quyền thuê đất hàng năm.

Như vậy có thể thấy rằng đơn giá thuê đất hàng năm đã được xác định theo giá đất cụ thể, chỉ ổn định trong một chu kỳ ngắn và sẽ được điều chỉnh theo giá đất cụ thể tại thời điểm hết kỳ ổn định. Việc xác định giá trị quyền thuê đất hàng năm là không phù hợp về cả pháp lý và thực tiễn.

Để tránh khó khăn lúng túng, lo lắng cho tư vấn định giá và các doanh nghiệp, VVFC đề xuất bỏ nội dung “xác định quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm” tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP để phù hợp với Nghị định 126/2017/NĐ-CP.

Đồng thời cũng đề xuất Nhà nước cần có những quy định chi tiết để xác định đơn giá thuê đất sát với thực tế, đảm bảo những vị trí đất thuận lợi, có khả năng sinh lời cao phải có giá thuê đất cao hơn những vị trí đất có khả năng sinh lời thấp, những diện vị trí đất có hệ số sử dụng đất cao phải có giá thuê đất cao hơn những vị trí có hệ số sử dụng đất thấp.

Ngoài ra, VVFC cũng cho rằng, có khá nhiều vướng mắc đối với việc xác định giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp; xác định giá tài sản là công trình nhà cửa, vật kiến trúc cũng như là phương pháp định giá doanh nghiệp khi thoái vốn Nhà nước.

Ông Khang cho biết, hiện có không ít doanh nghiệp thoái vốn đang lúng túng, thậm chí lo lắng khi hiểu rằng với nội dung quy định như trên, việc xác định giá cổ phần tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải thực hiện theo phương pháp tài sản, nhưng trong thực tế nhiều doanh nghiệp có tỷ trong vốn Nhà nước dưới 50%, thậm chí có doanh nghiệp có tỷ trọng vốn Nhà nước chỉ từ 5%-10%, rất khó khăn trong việc xác định giá cổ phần theo phương pháp tài sản bởi vì Công ty cổ phần không cung cấp tài liệu kiểm kê, đánh giá thực trạng tài sản, đối chiếu công nợ…

Do vậy VVFC đề xuất sửa nội dung này tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa theo lộ trình đã được phê duyệt.

Trong phần trao đổi, thảo luận tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp là tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Tập đoàn TKV, Tổng công ty HUD cùng các đơn vị tư vấn, thẩm định giá đã nêu lên một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình tái cơ cấu, thực hiện cổ phần hóa, trong đó có việc xác định giá trị doanh nghiệp, xác định quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất đai cũng như mối quan hệ giữa các doanh nghiệp là công ty mẹ - công ty con...

Tuy nhiên, phản hồi lại các ý kiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cho rằng, về cơ bản nhà nước đã ban hành khá đầy đủ và chi tiết các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan đến cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Do đó, trong quá trình thực hiện, thay vì hiểu theo hướng có lợi cho mình, các doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đủ các quy định của nhà nước, tránh tình trạng vận dụng sai do cố ý dẫn tới những kết quả không mong muốn.

Đối với những vấn đề phát sinh, đại diện lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp thu, xem xét và trình cấp thẩm quyền có quyết định phù hợp.

Một số hình ảnh tại diễn đàn

IMG_5736
IMG_5734
IMG_5740

Mời tham khảo tài liệu diễn đàn tại đây.

TL BTC.docx

48.59k

SCIC.doc

115k

Nhóm PV
Bạn đang đọc bài viết Tăng tốc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tại chuyên mục Ý kiến của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Sắp diễn ra Diễn đàn Tái cơ cấu DNNN
Diễn đàn diễn ra sáng ngày 8/8 tại Khách sạn Bảo Sơn, Hà Nội do Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính tổ chức.