Điểm mặt nguyên nhân khiến cổ phần hóa ì ạch

07/08/2019, 05:03

TCDN - Đâu là nguyên nhân chính khiến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp bị chậm trễ?

số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

Công tác cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp luôn được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế đến hết Quý 2/2019, mới có có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN.

Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bị chậm trễ?

Bất nhất các hướng dẫn về xử lý đất đai

Theo đại diện Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC), mặc dù các văn bản quy phạm phát luật ngày càng hoàn thiện, nhưng áp dụng vào trong thực tế muôn màu, muôn vẻ nên đơn vị tư vấn và doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, đối với phương án sử dụng đất, theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP: các doanh nghiệp cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.

Tuy nhiên nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty hiện đang xin giãn tiến độ cổ phần hóa do nhiều nguyên nhân, trong đó hầu hết bị chậm trễ trong công tác trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất.

Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa VVFC đề xuất Nhà nước cho phép kết hợp xác định giá trị doanh nghiệp đồng thời với việc tiếp tục trình duyệt phương án sử dụng đất và phải hoàn thành trước thời điểm kết thúc quá trình xác định giá trị doanh nghiệp (GTDN). Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu để xảy ra chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất.

Đối với đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, VVFC cho rằng, sự khác nhau giữa Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP đang là vấn đề bất cập vì cổ phần hóa và thoái vốn bản chất đều là bán vốn Nhà nước.

Cụ thể, theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, đơn vị thuê đất hàng năm nộp tiền thuê đất theo giá đất cụ thể, chỉ ổn định trong một chu kỳ ngắn và cũng không được cho thuê lại đất.

Nghị định 126/2017/NĐ-CP không quy định giá trị lợi thế đối với quyền thuê đất hàng năm. Trong khi đó khi xác định giá trị vốn Nhà nước để thoái tại doanh nghiệp, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP lại yêu cầu phải xác định đầy đủ giá trị quyền thuê đất hàng năm.

Như vậy có thể thấy rằng đơn giá thuê đất hàng năm đã được xác định theo giá đất cụ thể, chỉ ổn định trong một chu kỳ ngắn và sẽ được điều chỉnh theo giá đất cụ thể tại thời điểm hết kỳ ổn định. Việc xác định giá trị quyền thuê đất hàng năm là không phù hợp về cả pháp lý và thực tiễn.

Để tránh khó khăn lúng túng, lo lắng cho tư vấn định giá và các doanh nghiệp, VVFC đề xuất bỏ nội dung “xác định quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm” tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP để phù hợp với Nghị định 126/2017/NĐ-CP.

Đồng thời cũng đề xuất Nhà nước cần có những quy định chi tiết để xác định đơn giá thuê đất sát với thực tế, đảm bảo những vị trí đất thuận lợi, có khả năng sinh lời cao phải có giá thuê đất cao hơn những vị trí đất có khả năng sinh lời thấp, những diện vị trí đất có hệ số sử dụng đất cao phải có giá thuê đất cao hơn những vị trí có hệ số sử dụng đất thấp.

Doanh nghiệp và tư vấn cùng lúng túng

Đối với giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định: Giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm, bao gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang thông tin điện tử (website) của doanh nghiệp.

Với một số doanh nghiệp đặc thù, cơ quan tư vấn xác định để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có).

Nhưng theo Thông tư số 59/2018/TT-BTC quy định: Đối với giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử (nếu có) thực hiện xác định riêng từng giá trị theo quy định pháp luật thẩm định giá, theo các phương pháp xác định phù hợp.

Trường hợp không đủ hồ sơ, tài liệu để xác định giá trị văn hóa, lịch sử thì chủ sở hữu vốn chuyển nhượng căn cứ mức độ ảnh hưởng, tác động của giá trị đến hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp, hiệu quả đem lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để xác định tỷ lệ (tối thiểu 1%) trên tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở xác định giá khởi điểm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

VVFC cho rằng, các quy định như trên đã gây khó khăn, lo lắng cho tư vấn và cả doanh nghiệp trong công tác xác định GTDN để cổ phần hóa và xác định giá cổ phần để thoái vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần.

Do vậy, VVFC đề xuất cần tính đồng nhất giữa các văn bản trên với tên gọi: “Quyền sở hữu trí tuệ” theo Luật Sở hữu trí tuệ sẽ bao gồm: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại,..) và quyền đối với giống cây trồng.

Trong đó các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp từ 05-10 năm, bao gồm: chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang thông tin điện tử (website) của doanh nghiệp, chi phí xây dựng và đăng ký bản quyền về nhãn hiệu, tên thương mại, lô gô (chưa được ghi nhận vào giá trị tài sản vô hình).

Ngoài ra đề xuất bổ sung các khoản chi khen thưởng cho các tập thể cá nhân của doanh nghiệp nhân dịp đón nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước vào chi phí văn hóa lịch sử, bề dày truyền thống trong thời gian từ khi thành lập (hoặc thời điểm gần nhất doanh nghiệp còn lưu trữ được số liệu sổ sách kế toán theo quy định).

 Giá trị xác định ở trên không thấp hơn 1% giá trị thực tế vốn Nhà nước.

Bổ sung giá trị tiềm năng phát triển được quy định tại tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP trong xác định GTDN để cổ phần hóa áp dụng cho cả công tác xác định giá trị phần vốn Nhà nước khi thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, VVFC cũng đề cập đến một số nội dung khác hiện cũng khiến doanh nghiệp hiện đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc xác định giá tài sản là công trình nhà cửa, vật kiến trúc, phương pháp định giá doanh nghiệp khi thoái vốn Nhà nước…

Theo kế hoạch, ngày 8/8, Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp cùng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) sẽ tổ chức Diễn đàn về Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhằm góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp quan trọng này.

TaicocauDNNN_duyet-01
Nhật Nam
Bạn đang đọc bài viết Điểm mặt nguyên nhân khiến cổ phần hóa ì ạch tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan