Asanzo ra thông báo tạm ngừng hoạt động
TCDN - Asanzo cho rằng, trong 70 ngày qua, cứ mỗi ngày doanh nghiệp này phải chi ra ít nhất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động
Chiều tối 30/8, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo đã phát đi thông báo về việc tạm dừng hoạt động trong thời gian chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.
Theo đó, doanh nghiệp này cho biết, trong suốt 2 tháng qua, đoàn công tác thuộc các cơ quan quản lý chuyên ngành như các đoàn công tác của Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra Chống buôn lậu; thuộc Tổng cục Hải Quan; Tổng cục Quản lý thị trường; Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; Bộ Công an; Bộ Khoa học và Công nghệ; và Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra Asanzo và các doanh nghiệp có liên quan.
Phía Asanzo cho biết, đã cung cấp toàn bộ tài liệu pháp lý, chứng từ, hợp đồng, số liệu kế toán, tài chính, tài liệu liên quan đến nhãn hiệu, dây chuyền, công nghệ, bí mật kinh doanh và thông tin sản phẩm mang thương hiệu Asanzo cho các cơ quan quản lý chuyên ngành trên để đoàn thanh tra đưa ra một kết quả chính xác, khách quan nhất, nhưng kéo dài hơn hai tháng mà vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Theo Asanzo, đến ngày 30/8 – cũng là thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải có kết luận về nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hóa của Asanzo. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cơ quan có chức năng cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) - có kết luận về xuất xứ hàng hoá của Asanzo.
Thế nhưng, đại diện Asanzo cho biết, kết luận của VCCI vẫn không thể thay thế kết luận thanh tra của các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, trong 70 ngày qua, cứ mỗi ngày doanh nghiệp này phải chi ra ít nhất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Đó là chưa kể còn vô số chi phí hoạt động khác.
“Trong hoàn cảnh chưa có kết luận thanh tra, chúng tôi bất đắc dĩ phải thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh vì công ty hoàn toàn suy kiệt, ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng", Asanzo tuyên bố.
Trước đó, trong biên bản làm việc giữa đại diện VCCI và Asanzo, VCCI cho biết, hiện nay pháp luật về xuất xứ hàng hóa (như Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018) hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết (như FTA Asean – Trung Quốc) chỉ có quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không có quy định về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước như trường hợp của công ty Asanzo.
Tuy nhiên, pháp luật về xuất xứ hàng hóa tại Điều 3 Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 đều có giải thích (định nghĩa) về sản xuất hàng hóa: “Sản xuất” là các phương thức để tạo ra hàng hóa bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, chế biến, gia công hay lắp ráp.
Như vậy, đối với trường hợp sản phẩm điện tử của công ty Asanzo được sắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” hoặc ‘chế tạo bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899