Bộ Tài chính đang xác minh 28 doanh nghiệp liên quan tới Asanzo
TCDN - Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/8, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính đã có thông tin tiếp theo liên quan đến vụ việc của Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo.
Theo đó, trả lời câu hỏi của báo giới về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, làm rõ vụ việc khiến phải kéo dài thời gian, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, đối vụ việc của Công ty Asanzo, Thủ tướng có chỉ đạo liên quan đến các bộ, liên quan đến Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, cũng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, qua quá trình xác minh ban đầu sự việc liên quan đến nhiều doanh nghiệp, cụ thể hiện nay phải kiểm tra, xác minh 28 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu liên quan đến Tập đoàn Asanzo; cũng như xác minh liên quan đến Tập đoàn Asanzo, các siêu thị và các nhà bán lẻ, các sản phẩm của Asanzo; kiểm tra thông tin với cơ quan thuế về các giao dịch; xác minh thông tin với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao về thông tin nhãn hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao".
“Chính vì thế chúng tôi đang có những chỉ đạo quyết liệt, khi có thông tin sẽ công bố với các cơ quan thông tin báo chí”, Thứ trưởng Mai nói.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 30/7, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết: Liên quan tới thông tin ban đầu về vụ việc Asanzo, hiện Ban Chỉ đạo đã giao cho các lực lượng chức năng là Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung phối hợp xác định làm rõ những hành vi đúng sai của doanh nghiệp này.
Ông Đàm Thanh Thế cho biết, hiện các lực lượng chức năng đang tập hợp thông tin, tài liệu, dự kiến ngày 30/8 sẽ có kết luận chính thức về vụ việc này. Kết quả sẽ thông báo rộng rãi đến các phương tiện thông tin truyền thông. Nếu phát hiện doanh nghiệp sai phạm thì chắc chắn phải xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Nếu có hành vi vi phạm sẽ xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam và lợi ích người tiêu dùng, chứ không phải như một số thông tin cho rằng, vụ việc đang lắng xuống.
Lãi suất trái phiếu bất động sản chưa đáng ngại
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã có thông tin về việc một số doanh nghiệp bất động huy động trái phiếu với mức lãi suất cao.
Cụ thể, tính đến 24/6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,5% GDP, tăng 19,2% so với cuối 2018.
7 tháng đầu năm 2019 tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng là 31.000 tỷ đồng, tương đương 63,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp của năm 2018, trong đó doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng chiếm 42%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 22%.
Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng năm 2019 cao hơn so với năm 2018, nguyên nhân do mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của Ngân hàng thương mại đều tăng trong năm 2019. Trong đó, lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp ngành bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2019 ở mức trên 10% (phổ biến ở mức 12%).
Riêng đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt có mức lãi suất khá cao, 12-14,5%, đây là 1 trong những doanh nghiệp có mức cao nhất.
Việc áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng với ngành bất động sản cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động sản phải huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và so với các ngành khác.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của ngành xây dựng cũng phổ biến mức 10%. Đối với mức lãi suất như vậy so với lãi suất ngân hàng, thời gian qua, với các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV dao động trong khoảng từ 6,8-7%. Còn với các ngân hàng nhỏ hơn khoảng 8-8,7%. Như vậy việc phát hành trái phiếu trong 7 tháng qua dao động ở mức 10-12%.
“Qua rà soát và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát đánh giá mức huy động lãi suất như vậy chưa có xu hướng biến động đáng ngại. Bộ Tài chính vẫn phải tiếp tục theo dõi, đánh giá phân tích thường xuyên, nếu có bất thường liên quan đến thị trường tài chính, ảnh hưởng sẽ có giải pháp phù hợp”, bà Mai nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899