Chính sách tài chính “chưa có tiền lệ” giúp nền kinh tế “vượt bão”:

Bài 1: Giằng co bài toán giảm thuế, phí nhưng vẫn phải tăng thu ngân sách

10/03/2023, 09:44

TCDN - Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, ngành Tài chính đã tham mưu, đề xuất và ban hành những chính sách đặc biệt, chưa có trong tiền lệ để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ đó, trong năm 2022, kinh tế Việt Nam vượt qua được khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8%, thu ngân sách nhà nước vượt 28% dự toán; nhiều nhiệm vụ thu chi ngân sách về đích trước thời hạn.

Những chính sách chưa có trong lịch sử

Năm 2021 - 2022, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt, cuộc chiến Nga - Ukraina; cộng với những tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức chưa từng có đến tình hình kinh tế, xã hội. Trên thế giới, khủng hoảng năng lượng diễn ra ở nhiều nơi, nhiều nước lạm phát tăng kỷ lục…

Là một nền kinh tế có độ mở cao, kinh tế Việt Nam cũng bị chịu tác động nghiêm trọng. Đặc biệt đối với người dân, doanh nghiệp, sau 2 năm “chống chọi” với đại dịch, “sức khỏe” dần đi xuống. Có những doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, công nhân mất việc làm… Trong khi đó, ngân sách đã phải căng mình ra phòng chống dịch cũng như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ khi có dịch xảy ra. Đây là bài toán căn cơ, một mặt hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua sản xuất kinh doanh, mặt khác lại đảm bảo cho thu, chi cân đối trong dự toán, không bị sụt giảm quá mức.

Ngành Tài chính lần đầu tiên đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Ngành Tài chính lần đầu tiên đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Trước bối cảnh đó, để đưa kinh tế, xã hội vượt qua những khó khăn, thách thức, từ cuối năm 2021, rất nhiều ý kiến cho rằng dư địa nợ công còn rất lớn, Chính phủ cần phải tăng bội chi, xây dựng gói hỗ trợ lớn giúp doanh nghiệp “đang thiếu máu” để có thể hồi phục lại.

Vào giai đoạn tháng 11/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng từng chia sẻ, mặc dù nợ công và nợ chính phủ đến năm 2025 dự kiến vượt ngưỡng cảnh báo nhưng “chúng tôi rất ủng hộ các gói kích cầu để thúc đẩy kinh tế phát triển, sau đó quay trở lại thu ngân sách và tăng bội chi trong năm nay. Sang năm thì giảm bội chi trong các năm sau. Như vậy trong cả giai đoạn chúng ta vẫn bảo đảm mục tiêu đặt ra”.

Đến đầu năm 2022, trước những diễn biến phức tạp tình hình kinh tế thế giới và trong nước, mặc dù thu ngân sách hạn chế, chi ngân sách lớn nhưng Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền, cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp, chính sách về tài khoá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình).

Giải trình tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định giải pháp tài khóa và tiền tệ thực hiện chương trình, phần tác động đến bội chi ngân sách là 240 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giảm thuế, phí, lệ phí là 64 nghìn tỷ đồng, có nghĩa giảm thuế năm 2022 gấp 3 lần năm 2021. Chi ngân sách cũng lớn nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, giảm thuế GTGT với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022 đã giảm đến 49,4 nghìn tỷ đồng, gây áp lực lớn hơn đến cân đối ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% tiết kiệm ngay từ khâu dự toán; đưa vào nền kinh tế gói hỗ trợ lên tới 347 nghìn tỷ đồng, trong đó, có 131 nghìn tỷ đồng đầu tư vào cơ sở hạ tầng; đầu tư vào y tế 14 nghìn tỷ đồng; 38 nghìn tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%; cho công nhân thuê nhà 6.600 tỷ đồng…

Năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền miễn giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất như: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022…

Một trong những chính sách “linh hoạt”, chưa có trong tiền lệ ngành Tài chính đó là đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Từ đầu năm 2022, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng cao. Thời điểm chạm mốc cao nhất đối với dầu WTI là 130,5 USD/thùng, dầu Brent là 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3/2022.

Bộ Tài chính nhận định, xăng dầu là "máu" của nền kinh tế, được sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế, trong đó có những ngành phần lớn sử dụng nguyên liệu là xăng dầu như khai thác thủy sản, hoặc vận tải, khai thác than. Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là một trong những giải pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước, giúp giảm chi phí đầu vào, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển, tạo tiền đề thu ngân sách trong thời gian tới.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ, trình Quốc hội nhiều giải pháp về chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu như 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường. Dự kiến giảm ngân sách nhà nước do giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn khoảng 33.456 tỷ đồng.

Cùng với đó, khi diễn biến xăng dầu tiếp tục phức tạp, Bộ Tài chính lại đề xuất giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu… Các chính sách này đã có tác dụng tích cực kiềm chế lạm phát của Việt Nam ở dưới mức 4%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao.

“Trong năm 2022, số tiền mà nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thông qua việc miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí... vào khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng. Trong lịch sử của ngành Tài chính chưa bao giờ số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí lớn như vậy”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Giảm thuế nhưng phải tăng thu ngân sách

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thuế đã gia hạn năm trong 2022 ước khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 78,5% số dự kiến khi xây dựng Chương trình (135 nghìn tỷ đồng).

Các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng Chương trình (64 nghìn tỷ đồng).

Nhờ các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế nên nền kinh tế có bước hồi phục.

Nhờ các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế nên nền kinh tế có bước hồi phục.

Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại vào kết quả hết sức tích cực của ngành tài chính trong năm 2022. Đặc biệt, giúp Bộ Tài chính hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ về tài chính - ngân sách nhà nước đề ra.

Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021(ngân sách trung ương đạt 125,8% dự toán; ngân sách địa phương đạt 129,9% dự toán). Trong đó, thu nội địa vượt 21,8% dự toán, tăng 9,9%; thu từ dầu thô vượt 176% dự toán (giá dầu bình quân khoảng 105 USD/thùng, tăng 45 USD/thùng so dự toán), tăng 74,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 43,9% dự toán, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, nhiều kỷ lục trong thu ngân sách lần đầu tiên được xác lập như 3 địa phương có mức thu ngân sách trên 100.000 tỷ đồng là Tp.HCM, Hà Nội và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hưng Yên lần đầu tiên thu ngân sách tăng đột biến, đạt 260,4% dự toán, tăng 2,67 lần so với năm 2021, là tỉnh có mức tăng thu ngân sách lớn nhất cả nước. Hà Nội lần đầu tiên thu ngân sách vượt mốc 300.000 tỷ đồng…

Bộ Tài chính đánh giá, thu ngân sách nhà nước năm 2022 vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP tăng 8,02%); tổng mức bán lẻ tăng 19,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,8%, xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%, xuất siêu 11,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Tổng chi ngân sách nhà nước 12 tháng ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 82,8% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, đạt 75,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 94% dự toán; chi thường xuyên đạt 92,4% dự toán.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến cuối năm 2022, dư nợ công ước đạt 38% GDP, dư nợ Chính phủ ước đạt 34,7% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia ước đạt 36,8% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ước đạt 16,3% tổng thu ngân sách nhà nước, trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Ông Trần Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định, các chính sách tài chính, tiền tệ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế được ban hành kịp thời. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp sản xuất, kinh doanh phát triển.

Bài 2: Năm 2023 thách thức ngành Tài chính và câu hỏi chính sách thuế, phí 

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Bài 1: Giằng co bài toán giảm thuế, phí nhưng vẫn phải tăng thu ngân sách tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan