Đánh thuế tài sản, bất động sản:

Bài 1: Luật thuế tài sản, bất động sản: Quy định mới nào cho thuế cổ xưa nhất?

14/03/2022, 09:49
báo nói -

TCDN - Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến về việc xây dựng Luật thuế tài sản, bất động sản. Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan này đưa ra ý kiến xây dựng Luật. Tuy nhiên, cho đến nay việc xây dựng Luật thuế tài sản, bất động sản vẫn còn có nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Trong 2 năm qua, cơn “sốt đất” xuất hiện từ làng ra phố, người người bỏ việc đi buôn đất, nhà nhà đầu tư tiền vào đất. Thế nhưng nguồn thuế thu được từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản vẫn còn chưa cao, tình trạng “trốn thuế”, thất thu thuế xảy ra nhiều. Để tăng thu ngân sách nhà nước bền vững, cũng như ngăn chặn tình trạng trốn thuế, đầu cơ, gom đất, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có Luật thuế quản lý tài sản cũng như bất động sản.

Tạp chí Tài chính doanh nghiệp thực hiện loạt bài với chủ đề “Đánh thuế tài sản, bất động sản” đưa ra thực trạng, đề xuất những giải pháp chống thất thu thuế đối với hoạt động bất động sản, xây dựng Luật Thuế tài sản, thuế bất động sản phù hợp để tạo được sự đồng thuận trong xã hội, góp phần chống tham nhũng, tăng thu ngân sách nhà nước.

Tính thuế theo m2 đất

Theo Bộ Tài chính, thuế tài sản là một loại thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển.

Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất; góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

Việt Nam chưa ban hành được Luật thuế tài sản hay bất động sản.

Việt Nam chưa ban hành được Luật thuế tài sản hay bất động sản.

Thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3 - 4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005 - 2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực Châu Á là khoảng 2%/GDP.

TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam chưa có thuế tài sản nhưng đã đánh một số loại thuế liên quan tới tài sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp... Trong vòng 10 năm qua, Bộ Tài chính cũng đã dự thảo thuế tài sản và thảo luận vấn đề này nhưng vẫn chưa ban hành được.

Năm 2018, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất xây dựng Luật thuế tài sản. Theo dự thảo, giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá 1m2 đất tính thuế. Giá 1m2 đất tính thuế là giá 1m2 đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế.

Dự thảo đề xuất ngưỡng không chịu thuế theo giá trị để đánh thuế tài sản đối với nhà do việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội. Đồng thời, việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ phân biệt được các loại nhà khác nhau (đơn giá xây dựng mới 1m2 nhà biệt thự, nhà ở cấp I cao hơn rất nhiều đơn giá xây dựng mới 1m2 nhà ở cấp III, cấp IV). Trong đó có phương án ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng.

2 phương án thuế suất thuế tài sản gồm: áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3%; hoặc áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,4%.

Vào thời điểm đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định mức thuế suất cao đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế lấn, chiếm sẽ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ về đất, sử dụng đất lãng phí, chiếm dụng đất công.

Đề xuất đánh thuế tài sản, thuế bất động sản

Theo Bộ Tài chính, chính sách thu hiện hành liên quan đến bất động sản gồm: các khoản thu khi xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng và thu khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, lệ phí trước bạ); các khoản thu trong quá trình sử dụng tài sản (gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp); các khoản thu khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp khi người chuyển quyền là cơ sở kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân khi người chuyển quyền là hộ gia đình, cá nhân).

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng đề cương báo cáo tổng kết thi hành các chính sách liên quan đến bất động sản để phục vụ báo cáo đề xuất sửa đổi Luật thuế Sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ban ngành, địa phương về nội dung đánh giá bao gồm các kết quả đạt được trong thời gian có hiệu lực thi hành của các chính sách trên tính đến năm 2022 so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng (như hoàn thiện hành lang pháp lý trong quản lý, sử dụng đất đai đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, ổn định thị trường bất động sản, tăng thu ngân sách cho nhà nước…), bao gồm cả số liệu tổng quát thực tế.

Bộ Tài chính cũng đề nghị nội dung đánh giá cụ thể trong từng nhóm vấn đề, nêu rõ quy định hiện hành của từng chính sách, đánh giá tình hình thực hiện, nêu rõ vướng mắc phát sinh và nguyên nhân nếu có.

Trong đó, đề xuất sửa đổi nội dung cụ thể tại Luật thuế Sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp cũng như bổ sung mới cần quy định tại Luật. Bao gồm nội dung đề xuất có gộp Luật thuế Sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp hay không, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản.

Đồng thời Bộ Tài chính cũng đề nghị có sự đánh giá tác động của nội dung đề xuất sửa đổi đối với kinh tế xã hội, doanh nghiệp, người dân, ngân sách nhà nước và đánh giá tính cấp thiết của nội dung đề xuất.

TS Nguyễn Ngọc Tuyến nhấn mạnh, thuế tài sản là loại thuế cổ xưa nhất của các loại thuế. Loại thuế lớn nhất là đánh vào đất đai nhưng ở Việt Nam không dễ thu vì thiếu sự đồng bộ giữa các bộ luật.

Đơn cử như Luật Đất đai quy định giá đất do nhà nước ban hành để làm căn cứ xác định giá tính thuế trong hoạt động chuyển nhượng, chuyển đổi. Tuy nhiên, giá nhà đất lại do thị trường quyết định là chính.  

“Giá thị trường 1m2 đất ở Hà Nội có nơi là 2 tỷ đồng, có nơi 1 tỷ đồng nhưng khung giá UBND TP Hà Nội lúc cao nhất khoảng 200 triệu đồng. Chênh nhau gần chục lần vậy ban hành luật thuế tài sản thì căn cứ vào giá nào, 200 triệu đồng hay 2 tỷ đồng?”, ông Tuyến đặt câu hỏi.

Bài 2: Nhà hai giá, phá nát thị trường - thiên đường trốn thuế 

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Bài 1: Luật thuế tài sản, bất động sản: Quy định mới nào cho thuế cổ xưa nhất? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Lấy ý kiến xây dựng luật thuế tài sản, đánh thuế nhà
Bộ Tài chính đề nghị bộ, ngành, địa phương cho ý kiến về các nội dung như có đề xuất có gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hay không, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản.