Bài 2: Các nước trên thế giới ứng phó với thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu
TCDN - Thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu dự báo sẽ có sự tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Vì vậy, rất nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu và ban hành quy tắc thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024.
Bài 1: Thuế tối thiểu toàn cầu và ứng phó của Việt Nam
Hàng loạt quốc gia thực hiện từ năm 2024
Dự kiến thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức được áp dụng trên phạm vi toàn thế giới vào năm 2023 để phù hợp với lộ trình mục tiêu áp dụng của Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS (IF) vào năm 2024. Do đó, các quốc gia trên thế giới cũng đang thúc đẩy việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu bền vững có thể hài hòa với môi trường đầu tư và hệ thống thuế/pháp lý hiện tại mà vừa không ảnh hưởng tiêu cực làm giảm tăng trưởng phát triển kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua nghiên cứu đánh giá tổng thể các yếu tố tác động như thu hút FDI, thu ngân sách...
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Tổng cục Thuế cho biết, các nước, các nước áp dụng quy tắc IIR (Quy tắc thuế suất tối thiểu) từ 2024, gồm các nước EU như Hi Lạp, Đan Mạch, Romania, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Slovakia, Slovenia, Ireland, Áo, Italia, Séc, Croatia, Bồ Đào Nha, Pháp, Phần Lan, Luxembourg, Hà Lan, Đức, Ba Lan, Hungary; các nước châu Âu không thuộc thành viên EU: Thụy Sỹ, Vương quốc Anh; và các nước châu Á: Hàn Quốc, Nhật bản, Indonesia, Hongkong, Úc.
Ngoài ra, các nước áp dụng quy tắc UTPR (Quy tắc đối với khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu) từ năm 2025, có nhóm EU gồm Hi Lạp, Đan Mạch, Romania, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Slovakia, Slovenia, Ireland, Áo, Italia, Séc, Croatia, Bồ Đào Nha, Pháp, Phần Lan, Luxembourg, Hà Lan, Đức, Ba Lan, Hungary.
Một số nước khác như Indonesia, Úc; ngoài ra Thụy Sỹ và Úc sẽ áp dụng quy tắc UTPR từ năm 2024. Hiện nay, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành quy tắc tối thiểu (tháng 12/2022), Luật, Nghị định quy định chi tiết sẽ được ban hành trong năm 2023.
Ngày 3/2/2023, Bộ Tài chính Nhật Bản đã công bố dự thảo Luật áp dung Trụ cột 2, trong đó bao gồm việc áp dụng quy tắc IIR. Các nguyên tắc UTPR và QDMT sẽ được xem xét trong năm 2024. Dự thảo Luật cần được Nghị viện thông qua nhưng dự kiến sẽ được ban hành vào ngày 1/4/2023 và có hiệu lực từ 1/4/2024.
Các nước ASEAN gấp rút nội luật hóa quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đã có những chia sẻ về xu hướng cải cách chính sách thuế và các chính sách khác tại các nước ASEAN trong bối cảnh triển khai các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.
Ngày 14/2/2023, Phó thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore đã xác nhận kế hoạch áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2025 thông qua Kế hoạch ngân sách năm 2023. Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo quyền thu thuế, Singapore sẽ đưa thêm cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax - QDMTT) để thu bổ sung thuế TNDN đối với các tập đoàn đa quốc gia hoạt động có hiệu quả tại Singapore trên mức thuế suất tối thiểu 15%.
Cùng với cơ chế thuế tối thiểu nội địa, Singapore cũng đồng thời rà soát và sủa đổi bổ sung các chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp vĩ mô song song với việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo rằng Singapore sẽ vẫn đảm bảo cạnh tranh trong việc duy trì và thu hút đầu tư nước ngoài..
Tại Thái Lan, theo Chủ tịch VTCA, ngày 7/3/2023, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt về nguyên tắc thu thuế tối thiểu toàn cầu ở Thái Lan để phù hợp với Trụ cột thứ 2 của OECD, hiệu lực thực thi từ năm 2025.
Đồng thời giao cho các cơ quan hữu quan cơ quan xây dựng nội luật để thực hiện đồng bộ như sau: Tổng cục thuế Thái Lan (Thai Revenue Department) soạn thảo luật và ban hành các hướng dẫn thực thi để thu thuế bổ sung thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn và thực hiện phân bổ 50-70% nguồn thu thuế bổ sung này sang Quỹ hỗ trợ Công nghiệp trọng điểm (Targeted Industries Fund) thuộc Đạo Luật tăng cường cạnh tranh (Competitiveness Enhancement Act). Quỹ này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp một phần do thực hiện việc điều chỉnh tăng thuế tối thiểu toàn cầu.
Bộ Đầu tư Thái Lan (Board of Investment) chủ trì nghiên cứu sửa đổi Đạo Luật tăng cường cạnh tranh để bổ sung nguồn thu của quỹ hỗ trợ từ nguồn thu thuế bổ sung và đề xuất các chính sách khuyến khích đầu tư để tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua trợ cấp tài chính cho các nhà đầu tư đủ điều kiện. trong đó có hỗ trợ tiền điện cho các doanh nghiệp.
Đối với Malaysia, theo bà Nguyễn Thị Cúc, từ tháng 8/2022, Chính phủ Malaysia đã lấy ý kiến về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn. Ngày 24/2/2023, Chính phủ Malaysia thông báo sẽ thực hiện mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% từ năm tài chính 2024.
Đồng thời áp dụng bổ sung cơ chế thuế tối thiểu nội địa (QDMTT). Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, để cho phép Malaysia mở rộng cơ sở thuế trong khi vẫn duy trì tính cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Chính phủ sẽ đưa ra mức thuế suất tối thiểu có hiệu lực trên toàn cầu như được khuyến nghị và dự định thực hiện thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn từ năm 2024…”
Tháng 12/2022, Indonessia đã ban hành Quy định số 55 (GR-55) để thực hiện các sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, Luật thuế đề cập hai nội dung chính: Các biện pháp chống trốn thuế và các hiệp định thuế quốc tế. Trong đó, đưa ra một số nội dung có liên quan đến khái niệm mới về phân bổ quyền đánh thuế để trao quyền đánh thuế rộng hơn cho các quốc gia xuất khẩu vốn; xây dựng, tìm kiếm các giải pháp k để chấm dứt việc chuyển lợi nhuận sang các khu vực miễn thuế hoặc thuế thấp và để đảm bảo các doanh nghiệp đa quốc gia trả mức thuế tối thiểu toàn cầu theo quy định.
Hiện nay, Bộ Tài chính Indonesia đang xây dựng văn bản quy định chi tiết việc thi hành các nội dung trên.
Bài 3: Việt Nam nên áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn
email: [email protected], hotline: 086 508 6899