Bám sát thực tiễn, nỗ lực thu hồi nợ bảo hiểm xã hội

28/11/2022, 09:48

TCDN - Để hoàn thành mục tiêu của năm 2022, toàn ngành bả hiểm xã hội (BHXH) đã tập trung cao độ và thực hiện nhiều giải pháp, nhằm giảm số tiền chậm đóng, đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Đại dịch Covid-19 khiến tình hình kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đặc biệt là có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc bị giải thể, phá sản. Do vậy, năm 2021, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 12.518 tỷ đồng, chiếm 3,05% so với số phải thu.

Bởi vậy, để hoàn thành mục tiêu của năm 2022, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã tập trung cao độ và thực hiện nhiều giải pháp, nhằm giảm số tiền chậm đóng, đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã bám sát tình hình thực tiễn, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết liệt của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. 

Trong đó, tăng cường đôn đốc đơn vị chậm đóng kịp thời, quyết liệt, linh hoạt bằng nhiều hình thức: Trực tiếp tại đơn vị, gửi văn bản, email, điện thoại… 

Bám sát thực tiễn, nỗ lực thu hồi nợ bảo hiểm xã hội.

Bám sát thực tiễn, nỗ lực thu hồi nợ bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, thanh tra; phối hợp với các sở, ngành như: Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Công an, Thi hành án… để thu hồi tiền chậm đóng BHXH.

Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam cũng như BHXH Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo về thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN như: Nghị Quyết số 317-NQ/BCSĐ ngày 21/10/2022 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam gửi Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; Công văn số 2588/BHXH-TST ngày 19/9/2022 gửi UBND các tỉnh về việc tăng cường công tác chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT; các Công văn số 326/BHXH-TST ngày 09/02/2022, 1664/BHXH-TST ngày 21/6/2022 và 2861/BHXH-TST ngày 07/10/2022 gửi BHXH các tỉnh về thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT…

Trong quý 3/2022, BHXH Việt Nam cũng đã thành lập 8 đoàn công tác do lãnh đạo ngành chủ trì làm việc trực tiếp với các địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu nợ nhằm hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2022. 

Ngoài ra, lãnh đạo ngành cùng với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp tham dự và chỉ đạo tại hội nghị triển khai các giải pháp phát triển người tham gia những tháng cuối năm 2022 với các sở, ngành và UBND cấp huyện tại Kiên Giang, Cà Mau, Tp.HCM, Bình Định, An Giang, Hà Nội, Điện Biên, Đồng Tháp, Kon Tum, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hà Giang. 

Phối hợp với các tổ chức dịch vụ tập huấn về chính sách BHXH, BHYT và kỹ năng khai thác phát triển người tham gia cho trên 32.000 nhân viên làm công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức dịch vụ. 

Thời gian qua, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp đôn đốc thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN thì công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được xác định là giải pháp tích cực trong việc tăng thu, giảm tình trạng chậm đóng và răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BHTN góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Nhờ vậy, năm 2021 và 09 tháng đầu năm 2022, thông qua công tác thanh tra chuyên ngành (TTCN) về đóng BHXH, BHYT, BHTN đã thu hồi 4.383 tỷ đồng tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT (trong đó năm 2021 là 2.445 tỷ đồng, 09 tháng năm 2022 là 1.938 tỷ đồng).

Đặc biệt, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN những tháng cuối năm 2022, BHXH Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố áp dụng triệt để các giải pháp thu hồi nợ, trong đó là giải pháp tổ chức các đoàn TTCN tập trung thanh tra phương thức đóng, linh hoạt trong việc lựa chọn địa điểm thanh tra bằng việc mời đơn vị đến làm việc tại cơ quan, rút gọn thời gian thanh tra…

Nhờ việc triển khai đồng bộ các nội dung trên, chỉ trong tháng 8 và tháng 9/2022, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện TTCN đột xuất tại 2.233 đơn vị chậm đóng từ 03 tháng trở lên và có số nợ lớn, sau thanh tra ngoài việc yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) thực hiện kịp thời nghĩa vụ phải đóng BHXH, BHTN, BHYT mới phát sinh còn thu hồi hơn 250 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT cũ. Dự kiến trong những tháng còn lại của năm 2022 số tiền chậm đóng được thu hồi qua thanh tra sẽ đạt khoảng 200 tỷ đồng/tháng.

Đồng thời với việc tăng cường thu hồi nợ, giảm tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, năm 2021 và 09 tháng năm 2022, qua công tác thanh tra đã phát hiện: 92.380 người chưa tham gia (năm 2021 là 42.000 người, 09 tháng năm 2022 là 50.380 người); đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức đóng với số tiền truy đóng là 246,6 tỷ đồng (trong đó năm 2021 là 127,5 tỷ đồng, 09 tháng năm 2022 là 119 tỷ đồng), do đó đã góp phần vào việc tăng thu, phát triển người tham gia của ngành.

“Hiệu quả hoạt động TTCN về đóng BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của chủ sử dụng lao động quyền lợi người lao động được đảm bảo, chế độ được giải quyết kịp thời - đúng - đủ. Kết quả nói trên là cơ sở thực tiễn để khẳng định cơ quan BHXH có khả năng, nhân lực và nguồn lực thực hiện nhiệm vụ TTCN để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN”, ông Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra- Kiểm tra (BHXH Việt Nam) khẳng định.

Tại Báo cáo của Ban chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 nêu rõ, BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương lần 7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH, trong đó chú trọng phát triển BHXH tự nguyện và các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt. 

Kết quả, diện bao phủ BHXH ngày càng mở rộng, đạt 16,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020. Dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tổng số người tham gia BHXH vẫn tiếp tục tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tăng đều hàng năm, đạt 32,6% năm 2020, 36% năm 2021.

Có thể khẳng định, việc hoàn thành chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; là tiền đề góp phần giúp toàn ngành BHXH Việt Nam phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

PV
Bạn đang đọc bài viết Bám sát thực tiễn, nỗ lực thu hồi nợ bảo hiểm xã hội tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Vai trò trụ cột của BHXH trong hệ thống an sinh xã hội
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống.
Thực hiện chính sách BHXH, BHYT: Sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương
Qua 27 năm hình thành và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng: tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT không ngừng tăng; số lượt người thụ hưởng chính sách ngày càng lớn; công tác đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội luôn kịp thời, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động….