Tăng tốc phát triển người tham gia BHXH trong giai đoạn nước rút

22/11/2022, 14:11

TCDN - Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng tốc phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp với tình hình mới.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, do vậy việc thực hiện các chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) cũng gặp phải những khó khăn nhất định. 

Để đảm bảo không sụt giảm mạnh số người tham gia BHXH, giữ vững mục tiêu, kế hoạch đề ra, thời gian qua, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam cũng như BHXH Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ đạo về thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành BHXH Việt Nam có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn “nước rút” nhằm phấn đấu về đích với những kết quả tích cực. 

Tăng tốc phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp với tình hình mới.

Tăng tốc phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp với tình hình mới.

Theo đó, diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng. Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên trên 16,5 triệu người vào năm 2021 (gấp 7,2 lần). Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 241,7 lần). Số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên 13,4 triệu người vào năm 2021 (gấp 2,24 lần). Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 88,8 triệu người vào năm 2021 (gấp 12,5 lần), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.

Đối với công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam cũng tích cực đôn đốc các địa phương cần tiếp tục tham mưu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đưa vào Nghị quyết hằng năm về chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT; Đề xuất hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng có hoàn cảnh khó khăn, người mới thoát nghèo, Nông thôn mới, người dân sinh sống tại các xã mới thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Với các địa phương đã có Nghị quyết của HĐND về hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHYT, kịp thời lập danh sách người tham gia để cấp thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, các địa phương cần quyết liệt rà soát, khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN từ dữ liệu do cơ quan Thuế và các cơ quan liên quan; Đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành; Phân công cán bộ bám sát, phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường các giải pháp đôn đốc, vận động người tham gia BHYT hết hạn sử dụng thẻ BHYT nhưng chưa tham gia lại; Vận động, phấn đấu có ít nhất 70% người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình và 100% người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ hai trở đi tham gia BHYT.

Đồng thời, mở rộng mạng lưới nhân viên, cộng tác viên tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động linh hoạt, phù hợp để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu theo cam kết với cơ quan BHXH.

Tiếp tục đề xuất UBND tỉnh trình HĐND hỗ trợ ngân sách địa phương hoặc kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với công tác thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trên địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời theo quy định.

Đẩy mạnh hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp chậm đóng; Phân công cán bộ bám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp để đôn đốc đóng đủ, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới.

Tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đối với chủ sử dụng lao động và người lao động; phê phán các hành vi vi phạm trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu về BHXH, BHYT toàn dân đã được đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, thời gian tới, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT tiếp tục cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các địa phương, góp phần củng cố, tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận cao của xã hội trong tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Có thể khẳng định, việc hoàn thành chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là tiền đề góp phần giúp toàn ngành BHXH Việt Nam phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

PV
Bạn đang đọc bài viết Tăng tốc phát triển người tham gia BHXH trong giai đoạn nước rút tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thực hiện chính sách BHXH, BHYT: Sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương
Qua 27 năm hình thành và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng: tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT không ngừng tăng; số lượt người thụ hưởng chính sách ngày càng lớn; công tác đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội luôn kịp thời, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động….
Vai trò trụ cột của BHXH trong hệ thống an sinh xã hội
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống.