Bất chấp bị kiểm soát, tín dụng bất động sản vẫn tăng mạnh, chiếm gần 21% tổng dư nợ

21/10/2022, 11:38
báo nói -

TCDN - Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt gần 11% - mức cao nhất nhiều năm phù hợp diễn biến phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, trong đó, vốn "chảy" vào bất động sản tăng gần 15,7%, chiếm gần 21% tổng dư nợ bất chấp các biện pháp kiểm soát của cơ quan nhà nước.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết Số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn và Nghị quyết Số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cho biết tới cuối tháng 9, tín dụng đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng xấp xỉ 11% so với cuối năm ngoái - mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm, phù hợp diễn biến phục hồi kinh tế.

Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Đơn cử, tín dụng vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng gần 7,6%; công nghiệp xây dựng xấp xỉ 7,4%; thương mại dịch vụ tăng 11,34%...

Tín dụng bất động sản tăng mạnh chiếm gần 21% tổng dư nợ.

Tín dụng bất động sản tăng mạnh chiếm gần 21% tổng dư nợ.

Đặc biệt, tín dụng lĩnh vực bất động sản đến cuối tháng 8 tăng gần 15,7% so với cuối năm 2021, tương ứng tăng thêm 3,7% so với 3 tháng trước đó. Vốn tín dụng vào bất động sản chiếm hơn 20,9% tổng dư nợ nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào mục đích vay tự sử dụng, tăng hơn 20,1% còn kinh doanh bất động sản tăng 7,35%.

Trong khi vốn vào bất động sản tăng mạnh, vốn rót vào đầu tư, kinh doanh chứng khoản giảm mạnh hơn 35%, chiếm 0,32% tổng dư nợ tín dụng hệ thống ngân hàng.

Tương tự, tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông cũng giảm, đến cuối tháng 6 giảm 1,72% so với cuối 2021, và chiếm 0,88% tổng dư nợ tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã áp dụng các biện pháp giám sát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ... cũng như thực hiện các giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đưa việc thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành, định kỳ hàng năm.

Cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng khi cấp vốn cho bất động sản phải tăng kiểm soát chất lượng tín dụng, thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay... nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh, đảm bảo dòng vốn chảy đúng đích.

"Các ngân hàng cũng cần hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản quy mô lớn, thay vào đó là đưa vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hiệu quả cao, các dự án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt...", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị. 

Kết quả điều chỉnh room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng được thực hiện dựa trên kết quả xếp hạng mới nhất theo quy định tại Thông tư 52 (ban hành năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước), tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022 và diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Bất chấp bị kiểm soát, tín dụng bất động sản vẫn tăng mạnh, chiếm gần 21% tổng dư nợ tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính phủ: Không siết tín dụng bất động sản một cách bất hợp lý
Thủ tướng yêu cầu kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.