Tổng dư nợ chương trình tín dụng chính sách đạt gần 275 nghìn tỷ đồng

22/09/2022, 07:07
báo nói -

TCDN - Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tính đến 30/9/2022 tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt đạt 274.580 tỷ đồng, tăng 26.611 tỷ đồng so với năm 2021 với trên 6.432 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn.

Ngày 21/9, Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) họp phiên thường kỳ quý 3 năm 2022.

Tại phiên họp, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, tính đến 30/9/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 289.585 tỷ đồng, tăng 33.181 tỷ đồng (+13,0%) so với năm 2021. Nguồn vốn ủy thác từ địa phương chuyển sang NHCSXH thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 28.939 tỷ đồng, tăng 4.237 tỷ đồng so với năm 2021.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt đạt 274.580 tỷ đồng, tăng 26.611 tỷ đồng (+10,7%) so với năm 2021 với trên 6.432 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn.

Đặc biệt, tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, bao gồm: Cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm... Dư nợ các chương trình này đạt 203.034 tỷ đồng, chiếm 74% tổng dư nợ; Tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt bao gồm: cho vay học sinh sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay nhà ở xã hội, cho vay hộ nghèo làm nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền trung, cho vay mua nhà ở trả chậm vùng đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên. Dư nợ các chương trình này đạt 71.336 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26% tổng dư nợ.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ. tạo việc làm cho trên 660 nghìn lao động, giúp trên 4,9 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 17 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập: giải ngân cho hơn 82 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập; giúp gần 1,1 nghìn doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho trên 155 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; xây dựng khoảng 1.140 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây dựng hơn 1 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 7 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp...

Thực hiện cho vay người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết thúc đợt giải ngân ngày 31/3/2022, NHCSXH đã thực hiện 36 đợt vay tái cấp vốn từ NHNN để cho vay các đối tượng theo quy định tại 63 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố với tổng số tiền 4.787 tỷ đồng cho 3.561 lượt khách hàng (người sử dụng lao động) để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động, với 1.535 doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách. Đến nay, dư nợ cho vay là 3.998 tỷ đồng, với 766 khách hàng còn dư nợ; số vốn thu hồi trả nợ NHNN là 755 tỷ đồng. với 769 khách hàng đã tất toán trả nợ.

Bên cạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng nợ tiếp tục được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,68%/tổng dư nợ; trong đó nợ quá hạn chiếm 0,24%. Toàn hệ thống có 54/63 chỉ nhánh có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5% trên dư nợ; có 47 đơn vị cấp huyện không có nợ quá hạn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thời gian qua bối cảnh khó khăn chung của đất nước sau đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo. NHXCXH đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả khả quan. Thành tích đạt được của NHCSXH là rất có ý nghĩa đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trong bối cảnh hiện nay.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị Ban Điều hành NHCSXH tiếp tục phối hợp để mở rộng nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro; nghiêm túc triển khai các công việc sau kiểm toán; đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để hoàn thiện các văn bản theo tiến độ được giao...

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Tổng dư nợ chương trình tín dụng chính sách đạt gần 275 nghìn tỷ đồng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 256.324 tỷ
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Bùi Quang Vinh cho hay, tính đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 256.324 tỷ đồng, tăng 22.779 tỷ đồng so với cuối năm 2020; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 24.702 tỷ đồng.
Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách xã hội là 8.495 tỷ đồng
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội vừa rà soát kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 29/02/2020. Theo đó, tổng nguồn vốn huy động và quản lý tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đến 29/02/2020 là 8.537 tỷ đồng, tăng 69 tỷ đồng so với năm 2019.