Nhiều dấu hỏi trong sử dụng ngân sách qua một số gói thầu

16/06/2022, 10:20

TCDN - Nhiều gói thầu do một số đơn vị công lập làm chủ đầu tư có mức tiết kiệm ngân sách 0 đồng và vẫn còn tình trạng chỉ có một nhà thầu "độc diễn" từ khâu nộp hồ sơ đến khi trúng thầu khiến dư luận không khỏi băn khoăn về việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách. 

Theo Luật Đấu thầu năm 2013, “đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.”

Bản chất của hành vi đấu thầu là một hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường phát triển, bởi thông qua hoạt động này, những nhà thầu đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật và chi phí của chủ đầu tư sẽ được lựa chọn. Chính vì vậy, đấu thầu ra đời và tồn tại với mục tiêu nhằm thực hiện tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch.

Từ đó có thể thấy, hoạt động đấu thầu có vai trò đảm bảo 4 nội dung: hiệu quả – cạnh tranh – công bằng – minh bạch. Hiệu quả có thể về mặt tài chính hoặc về thời gian hay một tiêu chí nào khác tùy thuộc vào mục tiêu của dự án. Muốn đảm bảo hiệu quả cho dự án phải tạo điều kiện cho nhà thầu cạnh tranh công khai ở phạm vi rộng nhất có thể nhằm tạo ra sự công bằng, đảm bảo lợi ích cho các bên. Với các dự án có tổng đầu tư lớn, có giá trị về mặt kinh tế hoặc xã hội thì công tác đấu thầu là một khâu quan trọng không thể thiếu và đấu thầu phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước hoặc tổ chức tài chính cho vay vốn.

Vài năm trở lại đây, một số đơn vị đã thực hiện đầu tư với số tiền rất lớn để trang bị, mua sắm. Sẽ là đúng chủ trương, pháp luật nếu công tác đấu thầu tiết kiệm ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay bởi mục đích của việc mua sắm tập trung tài sản nhà nước thông qua đấu thầu là để tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều gói thầu hàng tỉ đồng do 1 số đơn vị công lập làm chủ đầu tư không tiết kiệm được đồng nào cho ngân sách. Bên cạnh đó, dù được tổ chức đấu thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự và chính nhà thầu này được phê duyệt trúng sau đó do không có thêm đối thủ cạnh tranh nào khác.

Bên cạnh đó, những nhà thầu quen mặt, trúng thầu với giá sát hay tỷ lệ tiết kiệm cực thấp cũng là vấn đề gây bức xúc ở các địa phương trong lĩnh vực đấu thầu. Theo chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, cần xem xét lại quy trình đấu thầu có được làm đúng, đủ, công khai, minh bạch hay không. Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu đều có những quy định cụ thể, chi tiết về vấn đề này, soi chiếu vào đó sẽ thấy ngay những điểm bất thường, sai phạm nếu quy trình không được thực hiện nghiêm túc.

Việc nhiều gói thầu trúng thầu sát giá, tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp tại một chủ đầu tư là một trong những dấu hiệu cho thấy có sự bất thường trong hoạt động đấu thầu và khi hiện tượng này diễn ra phổ biến, thường xuyên thì cơ quan cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm thanh kiểm tra, làm rõ.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, công tác đấu thầu ở nước ta là một trong những khâu phát sinh nhiều tiêu cực, có lúc có nơi chỉ mang tính hình thức, ẩn chứa những điều mờ ám, thiếu minh bạch và công bằng. Các vi phạm về đấu thầu diễn ra trong rất nhiều ngành khác nhau: xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục... Đặc biệt gần đây là vụ vi phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế và kít xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Các vi phạm trong công tác đấu thầu đã gây ra nhiều hệ lụy, như: Phá vỡ kế hoạch thực hiện chi tiêu công, mua sắm công và đầu tư công, không những làm cho các dự án bị chậm tiến độ, mà còn gây thất thoát lãng phí nguồn lực của đất nước; Làm trật tự quản lý nhà nước bị xáo trộn; Uy tín của cơ quan nhà nước bị giảm sút trong con mắt của nhân dân; Làm mất đi nguồn lực cán bộ do những người này vi phạm Luật Đấu thầu.

Từ năm 2013 đến nay, cơ quan quản lý đã điều tra khởi tố hàng chục nghìn vụ án tham nhũng chức vụ kinh tế, trong đó phần lớn liên quan đến các sai phạm về đấu thầu, mua sắm xây dựng, đầu tư công.

Tân Thanh
Bạn đang đọc bài viết Nhiều dấu hỏi trong sử dụng ngân sách qua một số gói thầu tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Liên tục gia hạn đấu thầu thuốc, Bộ Y tế nói gì?
Bộ Y tế khẳng định việc gia hạn thời gian đóng thầu và mở thầu các gói thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia không gây ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng thuốc thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia của các cơ sở y tế.