Bị Bộ Xây dựng "bêu tên", một số cựu quan chức xin trả lại nhà công vụ
TCDN - Có cựu quan chức gọi điện cho lãnh đạo Bộ Xây dựng nói sẽ trả nhưng cũng có người vòng vo, viện đủ lý do để bao biện cho việc chây ỳ, không chịu trả lại nhà công vụ của mình.
Chiều 21/4, Bộ Xây dựng cho biết, cơ quan này vừa có văn bản gửi tới 12 cựu quan chức, đề nghị trả lại nhà công vụ của Chính phủ, tại khu chung cư CT1-CT2 khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội), còn có tên thương mại khác là Green Park.
Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, lý do đề nghị trả lại nhà là những người này đã về hưu và không còn được sử dụng nhà công vụ theo quy định.
12 người này từng đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc tương đương, trước khi về hưu công tác tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban Dân tộc của Quốc hội; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp)...
Tiêu chuẩn căn hộ công vụ của họ khi đương chức diện tích sử dụng 100 - 115 m2; trang bị bàn ghế, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, tủ bếp, máy hút mùi, giường, máy giặt, bình nóng lạnh. Người ở phải trả phí dịch vụ, điện nước.
Tuy nhiên, phản hồi với báo chí sau khi danh sách 12 cực cán bộ được đăng tải công khai, một số cựu quan chức khẳng định, họ đã bàn giao lại nhà công vụ cho ban quản lý từ năm 2019, sau khi về nghỉ hưu, nhưng không hiểu sao vẫn có tên trong danh sách những cán bộ chưa chịu trả lại nhà.
Một số cán bộ khác thì vẫn có những lý do “vòng vo” để giải thích cho việc chưa chịu trả nhà của mình.
Ông Nguyễn Văn Ngàng - nguyên Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, xác nhận ông là người có tên trong danh sách bị yêu cầu trả lại nhà công vụ.
"Tôi đã làm thủ tục bàn giao nhà từ hôm qua (20/4). Mình nghỉ hưu rồi, trả lại nhà cho Nhà nước là chuyện bình thường", ông nói.
Giải thích việc chậm trễ trả nhà, ông Ngàng cho hay đây là nhà thuê của Chính phủ khi đương chức, với giá gần 1,8 triệu đồng mỗi tháng. Ông về hưu đã được 3 năm, biết rõ quy định liên quan nên đã "hai lần làm đơn xin gia hạn thuê nhà công vụ, nêu lý do rõ ràng, tuy nhiên không nhận được câu trả lời từ đơn vị quản lý".
Bộ Xây dựng hai lần gửi thông báo đề nghị ông Ngàng trả lại nhà công vụ. Nhưng lần thứ nhất, ông Ngàng nói "không nhận được". Còn lần thứ hai, ông cho hay "vì dịch bệnh Covid-19, nhà mới của tôi chưa sửa xong, chưa thể trả lại ngay".
Một cựu lãnh đạo khác của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam giải thích, giữa năm 2019, gia đình bà nhận được thông báo lần một về việc bàn giao nhà công vụ, bà đã làm đơn kiến nghị Bộ Xây dựng cho gia hạn sang năm 2020 để có thời gian xây nhà mới. Song đến nay do dịch bệnh, việc xây dựng nhà bị đình trệ, chưa thể chuyển đi thì bà nhận được thông báo lần 2.
Theo nguồn tin của Tài chính Doanh nghiệp, sau khi Bộ Xây dựng công bố danh tính các cựu quan chức không chịu trả nhà công vụ, chiều 21/4, có một số người đã liên hệ với lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết sẽ sớm hoàn thành thủ tục trả lại nhà theo quy định.
Có một điểm đáng chú ý, dự án chung cư Green Park nói trên theo quy hoạch ban đầu có 108 căn hộ được xây dựng cho mục đích tái định cư. Tuy nhiên, không hiểu sao, giữa năm 2012, Chủ đầu tư là Công ty Contrexim - Hod đã bán lại cho Bộ Xây dựng để làm nhà công vụ với giá thấp hơn nhiều giá thị trường. Các thương vụ mua bán này sau đó được xem như là một "bí ẩn" giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý.
Được biết, việc chậm trễ trong trả nhà công vụ của một số quan chức đã xảy ra nhiều năm nay. Mấy năm trước, dư luận đã khá bất bình với một số trường hợp của cựu Bộ trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường và nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899