Bình Phước: Nâng cao năng lực nhân viên công tác xã hội chăm sóc sức khỏe tâm thần
TCDN - Năm 2023, tỉnh Bình Phước sẽ tập trung tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội về chăm sóc sức khỏe cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng và trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Phước về kết quả thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, từ đầu năm 2022 đến nay, các đối tượng này đã được ngành y tế cấp sổ theo dõi sức khỏe, cấp thuốc từ cấp xã, phường (thị trấn) đến cấp huyện, cấp tỉnh (111/111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều hoàn thành công tác này).
Sở Y tế Bình Phước cũng đã xây dựng dự thảo Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025 trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, hợp tác với các tổ chức trong việc hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng. Các cơ quan, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cộng đồng tham gia; giám sát việc tổ chức triển khai công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh Bình Phước có 01 Trung tâm Bảo trợ xã hội (cơ sở công lập), nhưng không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để nuôi dưỡng và điều trị bệnh cho đối tượng tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Chính vì vậy, không phải người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí nào cũng được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế; mới chỉ hỗ trợ được một phần khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển tuyến chữa trị cao hơn. Bên cạnh đó, cán bộ y tế tại cơ sở ở một số nơi không thể có mặt kịp thời mọi lúc, mọi nơi đáp ứng được nhu cầu thực tế về tư vấn, trị liệu, chăm sóc sức khỏe cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
Ông Đỗ Văn Quyết, Giám đốc Trung tâm BTXH Bình Đức cho biết, Trung tâm có 4 phòng, trạm chuyên môn, 3 khu quản lý đối tượng tâm thần và 1 khu quản lý đối tượng lang thang, sinh sống nơi công cộng. Hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 761 đối tượng. Trong đó, có 721 đối tượng tâm thần, 40 đối tượng lang thang, sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định.
Với bộ máy nhân sự hiện có khá mỏng, 102 cán bộ, viên chức, người lao động nên việc nuôi dưỡng và điều trị bệnh cho đối tượng tâm thần, người rối nhiễu tâm trí gặp không ít khó khăn.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm 2023. Theo đó, Bình Phước sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 13/5/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030.
Năm 2023, tỉnh Bình Phước sẽ tập trung hực hiện hoạt động hỗ trợ y tế, phục hồi chức cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng và trong các cơ sở trợ giúp xã hội; tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ về khám, tư vấn, điều trị cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần và trẻ bị tự kỷ, ưu tiên nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Khoa Thần kinh - Tâm thần thuộc Bệnh Viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Nâng cấp Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đủ năng lực điều kiện tiếp nhận trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, giáo dục, lao động trị liệu và phục hồi chức năng xã hội, công tác xã hội cho người lang thang tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí khi được đưa vào Trung tâm.
Mặt khác, khuyến khích xã hội hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập và đầu tư xây dựng các cơ sở phòng chống rối nhiễu tâm trí, cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, trẻ mắc chứng tự kỷ. Triển khai lồng ghép các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông; triển khai các chương trình phòng ngừa, can thiệp sớm các trường hợp học sinh có biểu hiện tự kỷ và rối nhiễu tâm trí trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Tích cực vận động các tổ chức, cộng đồng tham gia; giám sát việc tổ chức triển khai công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; lồng ghép kinh phí các chương trình, các đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch.
Đặc biệt, công tác nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng sẽ được chú trọng triển khai. Đồng thời, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác thống kê, theo dõi danh sách người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn để làm căn cứ xây dựng kế hoạch, cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, thực hiện kịp thời đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899