Bộ Chính trị ban hành quy định mới về bổ nhiệm cán bộ

06/09/2022, 11:09
báo nói -

TCDN - Quy định mới của Bộ Chính trị nêu rõ, cán bộ bị kỷ luật không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian 12 tháng đối với khiển trách, 30 tháng với cảnh cáo, 60 tháng với cách chức.

Thay mặt Bộ Chính trị, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã ký ban hành Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.  

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư

So với quy định 105 của Bộ Chính trị ban hành năm 2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, Quy định 80 đã được bổ sung, cập nhật nhiều điểm chi tiết, rõ ràng hơn.

Theo Quy định mới, trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị bổ sung một khoản (9 khoản thay vì 8 như quy định cũ), đó là "Ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các Ủy viên Trung ương, gồm cả dự khuyết)". Một số thẩm quyền mới của Bộ Chính trị cũng được bổ sung, quy định chi tiết vào các điều khoản cũ.

Đơn cử như khoản 2, nếu như quy định cũ chỉ nêu ngắn gọn nhiệm vụ của Bộ Chính trị là "trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành Trung ương", thì quy định mới mở rộng hơn, nêu "trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ".

Cụ thể, Bộ Chính trị chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến Trung ương trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh: Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKS nhân dân tối cao, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Chính phủ; kỷ luật cán bộ và những vấn đề khác về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương.

Cũng như Quy định cũ, Quy định 80 giữ nguyên trách nhiệm của Bộ Chính trị về quyết định phân công công tác đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương (cả chính thức và dự khuyết), nhưng bổ sung thẩm quyền phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quy định 80 cũng bổ sung nội dung "Bộ Chính trị sẽ lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội trong việc giới thiệu nhân sự, phê chuẩn, miễn nhiệm hoặc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn".

Đối với Quân đội, Công an, Bộ Chính trị quyết định các chức danh mới như Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, bên cạnh các chức danh cũ là Ủy viên Quân ủy Trung ương và Đảng Ủy Công an Trung ương; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Bộ Chính trị xem xét, quyết định việc phong, thăng quân hàm đối với các nhân sự giữ chức vụ này (trừ người không giữ chức vụ diện Bộ Chính trị quản lý) và việc phong, thăng quân hàm đại tướng, thượng tướng, đô đốc Hải quân.

Theo quy định 80, trách nhiệm và quyền hạn của Ban Bí thư cơ bản giữ như quy định cũ. Theo đó, Ban Bí thư quyết định nhiều chức danh, ở các cơ quan Trung ương là Phó trưởng ban, cơ quan đảng ở Trung ương; Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó tổng biên tập báo Nhân dân, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Phó chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó chánh án TAND tối cao; Phó viện trưởng VKSND tối cao.

Ban Bí thư cũng quyết định chức danh Thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó tổng Kiểm toán Nhà nước; Phó trưởng các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Bí thư thường trực Trung ương Đoàn; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Chủ tịch các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; trợ lý các lãnh đạo cấp cao.

Đối với quân đội, công an, Ban Bí thư quyết định các chức danh Thứ trưởng Quốc phòng; Thứ trưởng Công an; Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Chính ủy, tổng cục trưởng, chủ nhiệm tổng cục (trừ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam); Chính ủy, phó chính uỷ; tư lệnh, phó tư lệnh quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng; Chính ủy, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Ban Bí thư xem xét, quyết định việc phong hoặc thăng quân hàm đối với các nhân sự giữ các chức vụ nêu trên và phong hoặc thăng quân hàm trung tướng, thiếu tướng, phó đô đốc, chuẩn đô đốc Hải quân.

Theo Quy định 80, cán bộ bị kỷ luật không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian như sau (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật): 12 tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật cách chức.

Trước đó, tại quy định 105 quy định cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất 1 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật. 

Đảng viên bị kỷ luật cách chức trong vòng 1 năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn. Cán bộ đang trong thời gian xem xét kỷ luật thì chưa đưa vào quy hoạch; chưa xem xét bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn.

Về thời hạn bổ nhiệm, quyết định 80 nêu rõ thời hạn giữ chức vụ là 5 năm (60 tháng) đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp nhà nước.

Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ dưới 5 năm áp dụng đối với một số chức vụ đặc thù theo quy định riêng. Thời hạn giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ của tổ chức đó.

Đối với quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, quyết định cũng nêu rõ đối với nguồn nhân sự tại chỗ sẽ thực hiện quy trình nhân sự gồm 5 bước.

Đối với nhân sự điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử từ nguồn cán bộ ở nơi khác, tùy thuộc vào từng trường hợp sẽ tiến hành theo 3 bước hoặc theo các quy định cụ thể khác.

PV
Bạn đang đọc bài viết Bộ Chính trị ban hành quy định mới về bổ nhiệm cán bộ tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bổ nhiệm Giám đốc công an 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận
Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, được điều động giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa, Đại tá Huỳnh Tấn Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận.
Lào Cai bổ nhiệm tân Chánh Thanh tra tỉnh
UBND tỉnh Lào Cai vừa chính thức bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Sinh, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn làm Chánh thanh tra tỉnh Lào Cai thay ông Đàm Quang Vinh đã bị cách chức, buộc thôi việc do bê bối sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả.
Chấm dứt bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ hàm
Theo Kết luận số 33 của Ban Bí thư do Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký, từ đầu tháng 4/2022, chấm dứt việc bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ hàm ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Với chức vụ hàm ngoại giao thực hiện theo quy định riêng.