Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện bán lẻ đến 5%

24/09/2022, 11:46
báo nói -

TCDN - Bộ Công Thương đề xuất EVN được điều chỉnh tăng giá điện khi các chi phí đầu vào biến động làm giá bán lẻ bình quân tăng từ 1 - 5% so với hiện hành.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Dự thảo được xây dựng nhằm thay thế Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

imager_1_5418_700

Theo đó, Bộ này đề xuất khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Căn cứ ý kiến bằng văn bản của Bộ Công Thương, EVN sẽ quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện kể từ 1/10 của năm đó.

Ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng nhưng không thấp hơn mức giá tối thiểu của khung giá và điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Sau khi điều chỉnh giảm hoặc tăng, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến đối với phương án giá bán lẻ điện bình quân do EVN trình.

Hiện, giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Mức này duy trì từ năm 2019 đến nay. Theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Hồi tháng 6, EVN tính toán giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng/kWh. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá).

Trong báo cáo tài chính 6 tháng của EVN cũng ghi nhận khoản lỗ gần 16.600 tỷ đồng do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao.

Thành Nam
Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện bán lẻ đến 5% tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phó thủ tướng: Xem xét chưa điều chỉnh tăng giá điện
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu với mặt hàng điện, trước mắt trong thời gian tới xem xét chưa điều chỉnh tăng giá điện, tuy nhiên trước áp lực tăng giá của các nguyên liệu đầu vào cần tiết kiệm chi phí, kiểm soát, tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí để giữ ổn định giá điện.