Bộ Công Thương: Giá điện sinh hoạt đang phải bù chéo cho giá điện sản xuất
TCDN - Trong báo cáo gửi Quốc hội giải trình chất vấn của đại biểu, Bộ Công Thương cho biết giá điện bán lẻ cho sản xuất đang thấp hơn chi phí và giá điện bán lẻ sinh hoạt đang bù chéo cho giá điện sản xuất.
Bộ Công Thương cho biết đang nghiên cứu sửa Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, do cơ chế này thực hiện gần 10 năm qua, bộc lộ bất cập. "Thời gian gần đây, do có sự thay đổi về cơ cấu sử dụng điện, nên giá bán cho nhóm khách hàng không phản ánh kịp thời chi phí sản xuất", Bộ Công Thương nhận xét.
Chẳng hạn, giá bán cho nhóm khách hàng sản xuất đang thấp hơn giá phản ánh chi phí, nên ảnh hưởng tới mục tiêu sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Mặt khác, các doanh nghiệp không có động lực đổi mới công nghệ, điều chỉnh sản xuất, nhất là khi nhóm tiêu dùng này chiếm tỷ trọng lớn trong phụ tải của hệ thống điện hiện nay.
"Điều này có nghĩa là vẫn tồn tại việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ở các mức độ khác nhau", Bộ Công Thương đánh giá.
Khắc phục điều này, cơ quan quản lý cho hay từ năm ngoái đã nghiên cứu phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, biểu giá bán lẻ này dự kiến còn 5 bậc thay vì 6 như hiện hành. Do vẫn còn ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo quyết định, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo quyết định theo trình tự quy định để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tại thang điện 6 bậc hiện hành, hộ sử dụng từ 401 kWh điện/tháng trở lên, sẽ chịu mức giá từ 3.015 đồng/ kWh. Giá điện thang 5 bậc sẽ tăng rất mạnh đối với hộ sử dụng nhiều điện, từ 401 kWh trở lên.
Với thang điện 6 bậc, hộ dùng từ 701 kWh/ tháng trở lên cũng chỉ tính giá bằng với giá điện của hộ gia đình sử dụng trên 401 kWh điện là 3.015 đồng/ kWh. Trong khi đó, thang 5 bậc, hộ sử dụng điện trên 701 kWh/tháng sẽ chịu giá đắt hơn 441,6 đồng/ kWh.
Biểu giá điện 5 bậc sẽ tính giá tiền cao hơn đối với hộ sử dụng điện từ 401 kWh trở lên, điều này đồng nghĩa với sử dụng nhiều điện, sẽ chịu giá đắt đỏ hơn.
Về điều tiết điện lực, các nhóm giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra trong ngắn hạn sẽ tập trung đầy đủ nhiên liệu sơ cấp cho phát điện; có kế hoạch bảo dưỡng, duy tu các tổ máy; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm (về nguồn và truyền tải); tháo gỡ, huy động tối đa các sản lượng năng lượng tái tạo hiện có.
Ngoài ra, khẩn trương ban hành cơ chế phát triển năng lượng mặt trời áp mái không nối lưới, cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA; vận động triệt để tiết kiệm điện và làm tốt truyền thông.
Trong dài hạn, Bộ Công Thương cho rằng cần khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VII; sửa đổi, bổ sung ban hành cơ chế, chính sách liên quan tới giá của các loại hình điện năng; sửa đổi Luật Điện lực (có chương về năng lượng tái tạo) và cơ chế chính sách về phát triển điện gió ngoài khơi...
Về Quy hoạch điện VIII, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội tuần qua, đại biểu Quốc hội đánh giá quy hoạch này ban hành chậm, ảnh hưởng tới cung ứng điện, an ninh năng lượng tới 2030 khi nhiều dự án mới không thể triển khai do chờ bổ sung quy hoạch.
Bộ Công Thương cho biết việc triển khai lập, trình duyệt Quy hoạch điện VIII không chậm so với yêu cầu. Sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ đúng hạn, thậm chí trước hạn cho phép. Song tới tháng 5, tức sau gần 4 năm từ lúc khởi thảo, quy hoạch này mới được Thủ tướng phê duyệt.
Dự thảo quy hoạch phải cập nhật, điều chỉnh theo cam kết mới của Chính phủ về giảm phát thải, bảo vệ môi trường tại Hội nghị COP26 và điều chỉnh phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, hiện Bộ đang chờ các chỉ đạo mới của Chính phủ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899