Bộ Tài chính: Cần giám sát tài chính đặc biệt với Tổng công ty COMA
TCDN - Phát sinh lỗ 02 năm liên tiếp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức quy định an toàn gấp 3 lần, doanh thu thuần giảm 02 năm liên tiếp... Do vậy, Bộ Tài chính khuyến nghị liệt COMA vào diện giám sát tài chính đặc biệt.
5 công ty con âm vốn chủ sở hữu hàng chục tỷ đồng
Theo Báo cáo tài chính năm 2018 đã kiểm toán của Tổng công ty Cơ khí Xây dựng – CTCP (COMA), tổng giá trị đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ tại thời điểm ngày 31/12/2018 theo giá trị ghi sổ là 153.332 triệu đồng. Trong đó cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2018 là 507,34 triệu đồng. Tỷ suất cổ tức, lợi nhuận trên tổng giá trị đầu tư ở mức thấp, đạt 0,33%.
Theo báo cáo tại công văn số 575/COMA-TCKT ngày 06/09/2019 của COMA về việc đánh giá tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị đầu tư của đơn vị này vào công ty con, công ty liên kết trong 6 tháng đầu năm 2019 là 72.187 triều đồng.
Trong đó, đầu tư vào 07 công ty con 42.337 triệu đồng (chiếm 58,65% tổng giá trị đầu tư). Đầu tư vào 02 công ty liên kế 9.929 triệu đồng (chiếm 13,75% tổng giá trị đầu tư). Đầu tư tài chính tại 07 đơn vị là 19.921 triệu đồng (chiếm 27,6% tổng giá trị đầu tư).
Có 04/7 công ty con có lãi. 03/7 công ty con không có lãi, và có lỗ lũy kế là Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai, Công ty TNHH MTV Xây lắp và Kinh doanh Vật tư thiết bị số 27, Công ty TNHH MTV Sản xuất XNK dịch vụ phát triển nông thôn.
Ngoài ra, trong báo cáo giám sát tài chính, Bộ Tài chính cho rằng có 05/7 công ty con có dấu hiện mất cân đối về tài chính, cần phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ về tài chính, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, các công ty này gồm: Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng và lắp máy điện nước âm vốn chủ sở hữu 36.648 triệu đồng. Công ty TNHH MTV Xây lắp và Kinh doanh vật tư thiết bị số 27 âm vốn chủ sở hữu 2.088 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Sản xuất XNK dịch vụ phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp Sông Chu, Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng số 2 Hà Bắc hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao lần lượt là 125,08 lần, 6,08 lần và 5,35 lần.
Về hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, cũng theo báo cáo của COMA, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính Công ty mẹ - COMA năm 2017, 2018, dự án đầu tư lô đất 116 Phạm Hùng (191,05 triệu đồng) đã dừng thi công tư năm 2017 do đang chờ Sở Quy hoạch kiến trúc phê duyệt quy hoạch 1/500 để làm cơ sở lập và triển khai Dự án.
Đồng thời, còn một số công trình dở dang lâu ngày chưa được nghiệm thu trong danh mục hàng tồn kho như: Dự án Nhiệt điện Hongsa (3.322,7 triệu đồng), Dự nán Nút giao Long Biên – Hà Nội ( 2.654,9 triệu đồng), Dự án Xây dựng tuyến đường lên tượng đài Thánh Gióng (2.497,9 triệu đồng), Dự án điện Cẩm Thủy (gói 2 – 534,7 triệu đồng), Dự án Nhà ga Cát Linh – Hà Đông (1.172,9 triệu đồng) và một số dự án chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu (02 căn hộ tại tòa nhà Westa, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội và 01 căn liền kề tại Dự án Skylight Minh Khai).
Cần giám sát tài chính đặc biệt
Theo Bộ Tài chính, cuối năm 2018, Bộ này đã có đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của COMA. Trong đó, Bộ đã có một số kiến nghị về dấu hiệu kinh doanh yếu kém này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, đến nay tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của COMA tiếp tục không được cải thiện, kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ thấp, mất cân đối dòng tiền.
Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Người đại diện phần Vốn Nhà nước tại COMA nghiêm túc thực hiện công tác báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính Phủ. Bởi theo Bộ này, đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo giám sát tài chính năm 2018 của Người đại điện vốn Nhà nước tại COMA. Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, tháng 5 năm 2019, Bộ Xây dựng đã miễn nhiệm (cho nghỉ hưu) người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty đối với ông Lê Minh Hải.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ, Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ khí Xây dựng – CTCP đã có các dấu hiệu mất an toàn tài chính, cụ thể như sau: (i) lỗ phát sinh năm 2018 là 163.125 triệu đồng, chiếm 68,4% vốn góp của chủ sở hữu (vượt quá mức quy định là 30% vốn đầu tư của chủ sở hữu), phát sinh lỗ 02 năm liên tiếp (năm 2017 và 2018); (ii) hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 lần lượt là 16,3 lần và 14,3 lần (vượt quá mức quy định an toàn là 03 lần); (iii) doanh thu thuần giảm 02 năm liên tiếp (năm 2017 và 2018); (iv) đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018.
Do vậy, căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng xem xét thực hiện giám sát tài chính đặc biệt đối với Tổng công ty COMA.
Bên cạnh đề nghị chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước thực hiện nghiêm túc về quản lý nợ, rà soát hiệu quả đầu tư, tăng cường quản lý, thúc đẩy bán hàng, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Người đại diện vốn nhà nước tại COMA báo cáo cụ thể về nguyên nhân để xảy ra tình trạng kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn vốn đầu tư của chủ sở hữu như đã nêu trên, đồng thời xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể nếu có.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng chỉ ra tồn tại: Tổng công ty đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ ngày 8/11/2016, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Bộ Xây dựng vẫn chưa thực hiện phê duyệt quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, đơn vị kiểm toán cũng đã có ý kiến về việc này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899