Tổng công ty COMA: Nợ nần leo thang, nguy cơ mất vốn nhà nước nhãn tiền

30/09/2019, 16:40

TCDN - Lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 30/6/2019 của Công ty mẹ COMA là 196.001 triệu đồng, chiếm 82,18% vốn điều lệ. Kinh doanh thua lỗ khiến Tổng công ty chưa bảo toàn vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp.

Doanh thu giảm, nợ nần tăng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán, tổng doanh thu năm 2018 của Tổng công ty Cơ khí xây dựng-CTCP (COMA) đạt 398.686 triệu đồng, giảm 58.370 triệu đồng so với năm 2017, tương đương mức giảm 12,77%. Lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 âm 146.247 triệu đồng, giảm 108.665 triệu đồng so với năm 2017.

Lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 của COMA âm 1.530 triệu đồng.

Lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 của COMA âm 1.530 triệu đồng.

Báo cáo tài chính của Công ty mẹ COMA cho thấy, tổng doanh thu năm 2018 đạt 121.739 triệu đồng, giảm 114.438 triệu đồng so với năm 2017, tương đương mức giảm 48,45%. Lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 âm 163.125 triệu đồng, giảm 129.954 triệu đồng so với năm 2017. Mặc dù tổng doanh thu giảm nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 128.171 triệu đồng (tương đương 362,6%), chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố tăng 26.185 triệu đồng (tương đương 11,39%) so với năm 2017.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất COMA, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng công ty đạt 174.101 triệu đồng, tăng 4.787 triệu đồng so với 6 tháng đầu năm 2018, tương đương mức tăng 2,86%. Lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 âm 1.530 triệu đồng.

Với Công ty mẹ, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 68.845 triệu đồng, giảm 18.703 triệu đồng so với 6 tháng đầu năm 2018, tương đương mức giảm 37,3%.

Lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 đạt 295 triệu đồng. Lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 30/6/2019 của Công ty mẹ là 196.001 triệu đồng, chiếm 82,18% vốn điều lệ.

Lỗ lũy kế lớn dẫn đến mức vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ tại thời điểm ngày 30/6/2019 là 34.098 triệu đồng.

Báo cáo giám sát của Bộ Tài chính nhận định: “Kết quả kinh doanh thua lỗ dẫn đến hệ số bảo toàn vốn và mức độ đảm bảo toàn vốn của Công ty mẹ năm 2018 lần lượt là 0,17 và 0,14. Kết quả trên cho thấy Tổng công ty chưa bảo toàn vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp”.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không ngừng leo thang

Theo báo cáo giám sát của Bộ Tài chính, hệ số nợ phải trả trên vố chủ sở hữu của COMA tại thời điểm ngày 31/12/2018 và ngày 30/6/2019 lần lượt là 28,47 lần và 71,66 lần. Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, khả năng thanh toán nhanh và khả năng thanh toán tức thời của Tổng công ty tại thời điểm ngày 31/12/2018 lần lượt là 0,83 lần, 0,412 lần và 0,03 lần, tương ứng tại thời điểm ngày 30/6/2019 là 0,81 lần; 0,37 lần và 0,03 lần.

Tại thời điểm ngày 31/12/2018, tài sản ngắn hạn của Tổng công ty là 896.097 triệu đồng, trong đó nợ phải thu và hàng tồn kho là 852.412 triệu đồng, chiếm 95,12% tài sản ngắn hạn. Tương tự tại thời điểm 30/6/2019, tài sản ngắn hạn của Tổng công ty là 843.122 triệu đồng, trong đó nợ phải thu và hàng tồn kho là 790.300 triệu đồng, chiếm 93,73% tài sản ngắn hạn.

Đối với công ty mẹ, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu thời điểm ngày 31/12/2018 và ngày 30/6/2019 lần lượt là 14,9 lần và 13,2 lần. Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, khả năng thanh toán nhanh và khả năng thanh toán tức thời của Công ty mẹ tại thời điểm ngày 31/12/2018 lần lượt là 0,61 lần, 0,47 lần và 0,015 lần tương ứng tại thời điểm ngày 30/6/2019 là 0,57 lần, 0,48 lần và 0,011 lần.

Tại thời điểm ngày 31/12/2018, tài sản ngắn hạn của Công ty mẹ là 335.020 triệu đồng, trong đó nợ phải thu và hàng tồn kho là 321.659 triệu đồng, chiếm 96,01% tài sản ngắn hạn. Tương tự tại thời điểm 30/6/2019, tài sản ngắn hạn của Công ty mẹ là 280.367 triệu đồng, trong đó nợ phải thu và hàng tồn kho là 276.600 triệu đồng, chiếm 97,59% tài sản ngắn hạn.

Tại thời điểm ngày 31/12/2018, nợ ngắn hạn của Tổng công ty là 548.620,02 triệu đồng, lớn hơn tài sản ngắn hạn là 213.599,1 triệu đồng. Về vấn đề này, đơn vị kiểm toán đã có ý kiến: “Chúng tôi muốn lưu ý người đọc đến thuyến minh số VII.2 trong Bản thuyết minh Báo cáo tài tính tổng hợp về khoản lỗ 163.125.902.187 VND của Tổng công ty cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2018 và tại ngày đó, các khoản nợ ngắn hạn của Tổng công ty đã vượt quá tổng tài sản của Tổng công ty là 213.599.100.137 VND. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty”.

Bộ Tài chính cho biết, tại công văn số 14769/BTC-TCDN ngày 27/11/2018 đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của COMA, Bộ Tài chính đã có ý kiến lưu ý về hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và các hệ số khả năng thanh toán nợ của đơn vị này.

Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Tổng công ty cũng như của Công ty mẹ COMA có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây, cụ thể: hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2017 là 2,95 lần, đến thời điểm ngày 30/6/2019 là 14,36 lần. Hệ số nợ phải trả trến vốn chủ sở hữu tăng dẫn đến các hệ số khả năng thanh toán nợ giảm.

Trên cơ sở hệ số nợ và cơ cấu tài sản ngắn hạn nêu trên, có thể thấy Công ty mẹ COMA và các đơn vị thành viên có rủi ro về việc mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Khả năng thanh toán của COMA phụ thuộc lớn vào công tác bán hàng tồn kho và thu hồi nợ.

Về quản lý công nợ phải thu, phải trả, tại thời điểm ngày 31/12/2018, tổng số nợ phải thu của Công ty mẹ là 245.681, chiếm 41,19% tổng tài sản và 73,33% tài sản ngắn hạn. Tương tự, tại thời điểm 30/6/2019, tổng số nợ phải thu của Công ty mẹ là 229.636 triệu đồng, chiếm 43,59% tổng tài sản và 81,91% tài sản ngắn hạn.

"Trường hợp COMA trích lập dự phòng theo đúng quy định thì chi phí dự phòng tài chính sẽ tăng thêm 54.901 triệu đồng, tương đương lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp tục giảm 54.901 triệu đồng. Khi đó vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2018 của công ty mẹ sẽ bị âm".

Hệ số vòng quay nợ phải thu của Công ty mẹ năm 2018 là 0,59, tương ứng với thời gian thu hồi công nợ là 610 ngày. Hệ số vòng quay nợ phải trả của Công ty mẹ năm 2018 là 0,83, tương ứng với thời gian thanh toán nợ là 432 ngày. Thời gian thu hồi nợ cao hơn thời gian thanh toán công nợ cho thấy Công ty mẹ đang bị chiếm dụng vốn dẫn đến mất cân đối giữa dòng tiền thu vào và dòng tiền chi ra liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Ngoài ra, thời gian thu hồi công nợ của Công ty mẹ quá dài (610 ngày) cho thấy COMA đang gặp rủi ro trong việc không có khả năng thu hồi nợ.

Qua rà soát Báo cáo tài chính Công ty mẹ năm 2018 của COMA, đơn vị kiểm toán đã có ý kiến: “Một số đối tượng đang được Tổng công ty trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo đánh giá khả năng thu hồi, tuy nhiên chúng tôi không thể thu thập được bằng chứng cho đánh giá này. Nếu thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo tuổi nợ thì sẽ phải trích lập them số tiền là 54.901.691.707 VND”. Như vậy, trường hợp COMA trích lập dự phòng theo đúng quy định thì chi phí dự phòng tài chính sẽ tăng thêm 54.901 triệu đồng, tương đương lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp tục giảm 54.901 triệu đồng. Khi đó vốn chủ sở hữu (mã số 400) tại thời điểm ngày 31/12/2018 của công ty mẹ sẽ bị âm.

Tạp chí Tài chính doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này

Hoàng Hà
Bạn đang đọc bài viết Tổng công ty COMA: Nợ nần leo thang, nguy cơ mất vốn nhà nước nhãn tiền tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan