Vicem và bức tranh tài chính tối màu trước cổ phần hóa

14/09/2019, 07:56

TCDN - Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát Vicem trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn

Bộ Tài chính đề nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước tại Tổng công ty.

Bộ Tài chính đề nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước tại Tổng công ty.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Xi Măng Việt Nam (Vicem) trước khi doanh nghiệp này chính thức cổ phần hóa.

Doanh thu công ty mẹ giảm giảm gần 50%

Theo đó, trong năm 2018, Công ty mẹ Vicem có tổng doanh thu là 1.692 tỷ đồng, chỉ bằng 52% so với năm 2017, trong đó doanh thu hoạt động tài chính chiếm 86% tổng doanh thu; lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư tài chính. Như vậy, cổ tức là lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết năm 2018 của Công ty mẹ giảm so với năm 2017.

Về đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tại thời điểm ngày 31/12/2018, tổng giá trị đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp (giá gốc) của công ty mẹ là 13.643 tỷ đồng; số dư trích lập dự phòng là 3.234 tỷ đồng, tăng 412 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2017, trong đó chủ yếu là trích lập dự phòng các khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp 1.046 tỷ đồng, Hải phòng 198 tỷ đồng và Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long 1.606 tỷ đồng, Sông Thao 331 tỷ đồng.

Tỷ suất cổ tức, lợi nhuận được chia/tổng giá trị đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là 9,8%, giảm 5,2% so với năm 2017.

Cũng theo Bộ Tài chính, bên cạnh các khoản đầu tư mang lại hiệu quả thì còn nhiều khoản đầu tư có hiệu quả không cao như Công ty cổ phần Xi măng Bút Sơn, Hải Vân, …; một số công ty có số lỗ lũy kế lớn như Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long và Sông Thao, Sông Đà 12, Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai.

Công ty con lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ

Về tình hình nợ phải thu và nợ phải trả của Vicem, tại thời điểm ngày 31/12/2018, Công ty mẹ có số dư nợ phải thu là 2.281 tỷ đồng (chiếm 15% tổng tài sản), trong đó: Phải thu cho các công ty con vay là 1.968 tỷ đồng ( tăng 17% so với thời điểm 31/12/2017 và chiếm 86% tổng nợ phải thu), Trong đó: Vicem Tam Điệp vay 736 tỷ đồng, Hạ Long vay 150 tỷ đồng, Sông Thao vay 297 tỷ đồng, do các công ty này có số lỗ lũy kế lớn, tình hình tài chính khó khăn nên các khoản cho vay khó có khả năng thu hồi hoặc thu hồi chậm.

Bộ Tài chính cho biết, về hoạt động của các công ty con, công ty cổ phần của Vicem cũng không mấy khả quan, trong Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp có lỗ lũy kế là 1.103,25 tỷ đồng, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng; Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng đến cuối 2018 có số lỗ lũy kế là 240 tỷ đồng, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,53 cho thấy Công ty vẫn còn khó khăn, việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn cho thấy Công ty vẫn mất cân đối về tài chính.

Với công ty cổ phần có Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long có số lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 3.580 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao lỗ lũy kế là 410 tỷ đồng…

Bộ Tài chính cho biết, qua số liệu trên cho thấy hầu hết các công ty trên hoạt động sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng nhưng với hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn đều thấp hơn 1, đặc biệt các công ty có hệ số từ 0,5 trở xuống cho thấy các công ty này gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ đến hạn, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối về tài chính.

Bộ Xây dựng cần giám sát chặt Vicem

Trước thực tế trên, Bộ Tài chính đề nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước tại Tổng công ty.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá danh mục các khoản đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn, có phương án xử lý đối với các khoản đầu tư tài chính không mang lại hiệu quả ( như Công ty cổ phần: Sông Đà 12, Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai); thực hiện chuyển giao phần vốn đầu tư của Vicem tại Công ty cổ phần: Cao su Đồng Phú – Kratic và Đồng Nai Kratic theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để xử lý dứt điểm.

Tăng cường công các giám sát đối với CÔng ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long và Sông Thao; đồng thời chỉ đạo, điều hành để các công ty này dần dần khắc phục khó khăn và trả được nợ vay.

Cùng với đó là rà soát, đánh giá tại các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của công ty mẹ để đảm bảo có hiệu quả và phù hợp với chủ trương của Chính phủ quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Trường hợp chuyển nhượng dự án, đề nghị Vicem thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, thu hồi tối đa giá trị đầu tư.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng kiểm tra, giám sát Công ty mẹ - Vicem trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn, rà soát việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của VICEM đảm bảo theo đúng chế độ quy định.

Chỉ đạo Vicem tăng cường công tác giám sát đối với Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long và Sông Thao. Xem xét, phê duyệt hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án thoái các khoản vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của Vicem.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần chỉ đạo thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, tính toán quy mô vốn điều lẹ và xây dựng phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Vicem đảm bảo theo đúng lộ trình; tăng cường công tác giám sát doanh nghiệp đối với Vicem và chịu trách nhiệm về các nội dung giám sát được phân cấp theo quy định hiện hành.

Mới đây, trong một báo cáo kiểm toán về công tác định giá tài sản trước cổ phần hóa của Vicem, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra hàng loạt tồn tại của Tổng công ty này, trong đó đáng chú ý là việc Vicem thuê đơn vị kiểm toán độc lập xác định giá trị doanh nghiệp nhưng đã “bỏ quên” hàng nghìn tỷ đồng giá trị trong quá trình định giá.

Bảo Anh
Bạn đang đọc bài viết Vicem và bức tranh tài chính tối màu trước cổ phần hóa tại chuyên mục DOANH NHÂN của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Vụ 'bỏ quên' nghìn tỷ khi cổ phần hóa: Vicem nói gì?
Liên quan đến thông tin báo chí phản ánh việc xác định Giá trị doanh nghiệp của Tổng công ty Công Xi măng Việt Nam (VICEM) khi cô phân hóa thiêu, “bỏ quên” hơn ngàn tỷ đồng, doanh nghiệp này đã chính thức lên tiếng.