Khó xử lý xong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương trước 2020
TCDN - Đến nay, có 2/6 nhà máy thua lỗ đã có lãi. 4 nhà máy còn lại từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ phát sinh. Một số nhà máy nâng công suất khai thác, tăng thời gian vận hành. 1/3 dự án dừng hoạt động đã sản xuất trở lại...
Đánh giá về 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận: Đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách quan trọng được triển khai, bước đầu ổn định hoạt động của các dự án, doanh nghiệp.
Ví như Bộ Tài chính đã xử lý giãn mức trích khấu hao từ năm 2017 đến 2019 đối với 4 dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất; Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay. Cùng đó, các tập đoàn, tổng công ty mẹ đã tích cực hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp. Sau khi cơ cấu lại, một số dự án đã có chuyển biến bước đầu về tài chính và hoạt động.
Tuy nhiên, 12 dự án vẫn khó khả quan. Trong 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, đã có 2 nhà máy bước đầu có lãi. 4 nhà máy còn lại từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ phát sinh. Một số nhà máy đã nâng công suất khai thác, tăng thời gian vận hành.
Trong 3 dự án bị dừng hoạt động, nay đã có Dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ vận hành sản xuất trở lại. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất.
Riêng 3 dự án xây dựng dở dang không có nhiều chuyển biến. Cụ thể, Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính, trong khi đó các cổ đông khác không góp thêm vốn để triển khai dự án dở dang. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên vẫn chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC.
“Mục tiêu hoàn thành xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương trước năm 2020 rất khó do các vướng mắc về tranh chấp các hợp đồng EPC. Việc huy động nguồn lực để giải quyết khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp không thuận lợi; một số dự án càng sản xuất càng lỗ…”, Ban kinh tế Trung ương nhận định.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, năm 2017 có 10 tập đoàn, tổng công ty lỗ luỹ kế gần 13.000 tỷ đồng. Có tới 20 tập đoàn, tổng công ty có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Một số tập đoàn, tổng công ty nợ tổ chức tín dụng lớn. Nếu DNNN hoạt động không hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn của hệ thống ngân hàng và gia tăng nợ xấu.
Điểm tên một số dự án nằm trong nhóm nợ xấu có nguy cơ mất vốn của tổ chức tín dụng có: Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP số 2 Lào Cai, Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất. Có 17 ngân hàng và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án thua lỗ với tổng số gần 21.000 tỷ đồng (cả vốn ngắn hạn và trung hạn). Nếu tình hình dự án thua lỗ không khắc phục được, nguy cơ mất vốn ở tổ chức tín dụng lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động ngân hàng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899