Bộ Tài chính nói gì trước đề xuất tăng lương hưu 15%?
TCDN - Bộ Tài chính cho biết, tổng kinh phí tăng lương hưu, trợ cấp theo như Bộ LĐTB&XH đề nghị là hơn 17.200 tỷ đồng, vượt khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTB&XH tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể.
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) về đánh giá tác động của cải cách tiền lương mới từ ngày 1/7 tới (thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội).
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTB&XH tính toán lại mức đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công cách mạng 29,2% (từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng mỗi tháng); tăng chuẩn trợ cấp xã hội 38,9% (từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng mỗi tháng).
Với mức tăng như trên, tổng kinh phí chi trả là 17.276 tỷ đồng, gấp 2,3 lần nguồn kinh phí được Quốc hội phê duyệt, vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách nhà nước nửa cuối năm nay.
Về dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, đã nêu rõ, cải cách tiền lương và điều chỉnh lương hưu, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội là 74.048 tỷ đồng.
Nghị quyết số 104/2023/QH15 cũng đề cập nội dung dành nguồn kinh phí ngân sách nhà nước tối đa khoảng 7.430 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2024 để điều chỉnh các mức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng.
Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện cân đối ngân sách trung ương khó khăn, nguồn bố trí điều chỉnh lương hưu và một số chính sách trợ cấp, an sinh xã hội rất hạn chế, trong khi một số địa phương vẫn tiếp tục dư nguồn cải cách tiền lương lớn.
Do đó, để chủ động nguồn điều chỉnh các chính sách, và giảm áp lực bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương, Bộ Tài chính đề xuất Bộ LĐTB&XH báo cáo cấp có thẩm quyền, cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, và nguồn cải cách tiền lương của các địa phương còn dư, sau khi đảm bảo đủ nhu cầu cải cách tiền lương được sử dụng để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu và các loại trợ cấp nêu trên.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, hiện nay có nhiều chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm y tế; một số chế độ về an sinh xã hội (học bổng chính sách, hỗ trợ chi phí học tập cho một số đối tượng học sinh, sinh viên quy định tại Luật Giáo dục…).
Khi thực hiện cải cách tiền lương khu vực công từ ngày 1/7/2024 sẽ tác động trực tiếp đến chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ đối với học sinh, sinh viên, do không còn quy định về mức lương cơ sở.
Tuy nhiên tại thời điểm ngày 1/7/2024, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giáo dục vẫn còn hiệu lực, chưa có văn bản thay thế.
Do đó để đảm bảo tính pháp lý, thống nhất trong thực hiện, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT… rà soát, nghiên cứu để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2024.
Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định mức chuẩn làm cơ sở thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an sinh xã hội, hiện đang tính theo mức lương 1,8 triệu đồng. Từ đó, bảo đảm sự phù hợp giữa việc cải cách tiền lương của cán bộ, công chức, và mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899