Chủ tịch Vietnam Airlines: Lãi suất cho vay vẫn cao và khó tiếp cận

14/03/2024, 21:47
báo nói -

TCDN - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Sun Group, Vietnam Airlines đều mong muốn được tiếp cận với nguồn tín dụng lãi suất thấp dễ dàng để phục hồi và phát triển doanh nghiệp.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, đứng riêng về tương quan tỷ giá hối đoái, 2 năm 2022, 2023, hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trong top 5 cỡ khoảng 15%. Nó cũng là một trong những nguyên nhân 2 năm 2022, 2023, ngành xuất khẩu dệt may giảm đến 10%, và là nước giảm nhiều nhất trong 5 nước xuất khẩu dệt may.

Về chính sách lãi suất và tín dụng, theo Chủ tịch Vinatex, nhìn chung lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%. Tại Việt Nam, mức vay trung bình của Vinatex khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu. Lãi suất phải trả cho các ngân hàng năm 2023 của Vinatex trên Báo cáo hợp nhất tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ giảm 11%.

“Dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả tăng 30%. Và đứng trên các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1, 2/2024 đến giờ phút này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm 2023”, ông Trường nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Vinatex, năm 2022 tiếp cận vốn dễ, năm 2023 thì khó hơn và đặc biệt vừa rồi, cuối năm 2023, đầu năm 2024, khi xem xét hạn mức tín dụng 2024 đối với các doanh nghiệp ngành sợi rất khó khăn.

Cụ thể, hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Năm 2023 tính chung giá trị tài sản đảm bảo này các khoản vay chỉ khoảng 20%, còn năm nay yêu cầu phải 100% hoặc là áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9. Đối với nhóm sợi hiện nay, ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước vay khoảng 7%, ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước vay khoảng 9%...

Do vậy, theo ông Trường, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sợi trong năm 2024, không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định, để duy trì được sản xuất quay trở lại tỷ lệ huy động của họ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Vinatex cho rằng, hiện nay lãi suất giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group.

Cùng đồng quan điểm về vấn đề lãi suất, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho rằng, để đẩy nhanh tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, Sun Group đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia các dự án trọng điểm quốc gia.

Với các chính sách hiện hành cũng như trong tương lai hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đề nghị Chính phủ có sự hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

“Sun Group bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Cụ thể là hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá là lớn (từ 4-5%), doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group.

Ông Đặng Ngọc Hòa Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Ông Đặng Ngọc Hòa Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Ông Đặng Ngọc Hòa Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, Vietnam Airlines đã từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi xác định đây là vai trò của ngành vận tải đi trước mở đường để đưa phát triển kinh tế - xã hội, địa phương, du lịch, đầu tư… đưa kinh tế Việt Nam ra thế giới và đưa kinh tế thế giới tới Việt Nam. Trong năm 2023, Vietnam Airlines đã phục hồi khoảng 80-90% so với trước dịch năm 2019.

Năm 2024 và những năm tiếp theo, Vietnam Airlines tiến tới mở rộng sản xuất, kinh doanh của mình, mở lại các đường bay cũ cũng như mở các đường bay mới, đặc biệt những đường bay xuyên lục địa. Đặc biệt, Vietnam Airlines phấn đấu mở rộng mảng bay, cân đối thu chi, hoặc tiện cận được cân đối thu chi vào năm 2024.

Tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Hòa cho rằng, lãi suất cho vay vẫn cao và khó tiếp cận. Do vậy, lãnh đạo Vietnam Airlines mong muốn có thể hỗ trợ được lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Đối với tỷ giá, theo ông Hòa, Vietnam Airlines là ngành hàng không thì 1% thay đổi tỷ giá cũng mất 300 tỷ, nếu mà 5% thì chi phí chúng tôi một năm tăng lên 1.500 tỷ. Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tăng hạn mức tín dụng cho Vietnam Airlines.

Và đặc biệt trong Đề án tái cơ cấu, Vietnam Airlines có giải pháp tăng vốn điều lệ, rất mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các định chế tài chính để hỗ trợ Vietnam Airlines phần tăng vốn này….

Bảo An
Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Vietnam Airlines: Lãi suất cho vay vẫn cao và khó tiếp cận tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủ tướng: Mặt bằng lãi suất cho vay tuy giảm nhưng vẫn còn cao
Theo Thủ tướng, mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại đang còn cao. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tiếp cận tín dụng còn khó khăn và lãi suất cho vay còn cao cần giảm lãi suất cho vay.