Bộ Y tế đề nghị không xét nghiệm sàng lọc học sinh đến trường

17/02/2022, 15:22

TCDN - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp.

Ngày 17/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, các điều kiện, năng lực phòng, chống dịch trong nước đã khác với tỷ lệ bao phủ vaccine cao; đã có thuốc, kinh nghiệm và phác đồ điều trị; ý thức của người dân khá tốt… , từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn xét nghiệm trong trường học (Ảnh: TTXVN).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn xét nghiệm trong trường học (Ảnh: TTXVN).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, chủ trương đưa học sinh trở lại trường để học trực tiếp được ủng hộ, đồng tình. Song dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Bộ trưởng Sơn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ đến trường đảm bảo an toàn; quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp.

Ông Sơn cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh theo hướng rút gọn về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 là giáo viên, học sinh; sớm ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp; đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn trong điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ mắc Covid-19.

Đến nay, học sinh đi học trực tiếp chiếm 93,71% tổng số học sinh trên cả nước. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc Covid-19 tăng mạnh khiến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến.

Trong khi đó, việc mở cửa trường học là yêu cầu bức thiết bởi trẻ ở nhà lâu sẽ kéo theo những hệ luỵ khôn lường cho xã hội.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng để sớm cho các trẻ đến trường an toàn, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo các nghiên cứu khoa học, virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện biến chủng, vì vậy, tiêm phòng vaccine là biện pháp quan trọng để giảm tỷ lệ lây nhiễm hoặc nếu lây nhiễm sẽ giảm tỷ lệ chuyển nặng, phải nhập viện, tử vong.

Đối với trẻ em nhóm tuổi dưới 12 tuổi, yếu tố giảm tỷ lệ lây nhiễm chưa có do chưa được tiêm vaccine. Vì vậy, nếu trường học mở lại, khả năng lây nhiễm của trẻ em sẽ tăng rất nhanh, trong khi tỷ lệ chuyển nặng rất thấp. Đây là hai yếu tố cần tính toán để có các biện pháp ứng phó phù hợp, kiểm soát hiệu quả, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm không để vượt khả năng của ngành y tế trong xét nghiệm, điều trị, cách ly ca mắc trong trường học.

Về việc tổ chức dạy học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022 (tính từ ngày 7/2 đến nay), theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp; 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp; 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đi học trực tiếp; 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. Tổng số học sinh học trực tiếp chiếm 93,71% tổng số học sinh trên cả nước.

Dự kiến, từ ngày 21/2, có 59/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp (Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang có kế hoạch cho trẻ em mầm non đi học trong tháng Hai nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể. Tiền Giang cho trẻ em mầm non 5 tuổi đi học trực tiếp từ ngày 21/2 và trẻ em dưới 5 tuổi đi học trực tiếp từ ngày 24/2).

63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học trực tiếp.

Đánh giá chung về tình hình triển khai, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định chủ trương đưa học sinh quay trở lại trường để học trực tiếp được xã hội, nhà trường, phụ huynh, các chuyên gia... ủng hộ, đồng tình, được đánh giá đúng lúc và kịp thời. Các địa phương thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Tuy nhiên, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc COVID-19 tăng mạnh khiến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến.

Một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến trường. Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp.

Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò, đặc biệt đối với cấp mầm non và tiểu học.

Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc phát hiện tại trường học).

Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.

Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả gây phản ứng không cần thiết (một số huyện tại Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu).

Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục rất khó thực hiện việc giãn cách theo quy định vì số lượng học sinh đông, vẫn còn hiện tượng học sinh các lớp tương tác trực tiếp trong giờ nghỉ giải lao.

Việc rà soát, phân loại học sinh để củng cố, bổ sung kiến thức khi học sinh trở lại trường gây khó khăn cho các trường trong việc bố trí giờ dạy, có thể phát sinh kinh phí...

Bên cạnh đó, việc thiếu giáo viên (đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học) tạo áp lực rất lớn cho các cơ sở giáo dục trong việc triển khai dạy trực tiếp. Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương; kinh phí chi cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục (nước sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, kít xét nghiệm nhanh…) còn thiếu.

Trúc Nhi
Bạn đang đọc bài viết Bộ Y tế đề nghị không xét nghiệm sàng lọc học sinh đến trường tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan