Các bộ ngành xắn tay tìm giải pháp tiêu thụ nông sản trước dịch virus corona
TCDN - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương phải họp khẩn cấp để bàn giải pháp tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tồn đọng do ảnh hưởng của dịch virus Corona.
Chiều 3/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chủ trì họp với các bộ, ngành, 6 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, các hiệp hội, ngành hàng doanh nghiệp để bàn các giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản Việt - Trung ứng phó với dịch virus corona.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, chiếm 22-24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam; trong đó, nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cơ bản như rau quả.
Bên cạnh đó, tất cả những thương thảo về thương mại nông sản vừa qua với Trung Quốc về các mặt hàng như sầu riêng, yến, khoai lang… sẽ bị tạm dừng lại.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, ráo riết nhưng rất bình tĩnh. Các đơn vị, địa phương nhận dạng kỹ, chính xác về tình hình dịch bệnh này tác động đối với nông nghiệp Việt Nam.
Dự báo, dịch viêm phổi cấp do virus corona sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước.
Ông Nguyễn Quốc Toản (Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản) cho biết có một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam cung cấp cho thành phố Vũ Hán buộc phải hủy đơn hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona.
Còn theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đến tối ngày 2/2, có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe tại Lạng Sơn.
Giải pháp trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y phối hợp các lực lượng chức năng tại biên giới tăng cường công tác kiểm dịch động thực vật, phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1, cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam, tuân thủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cục chuyên ngành sẽ chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.
Cụ thể, Đoàn công tác do lãnh đạo Bộ dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Dubai (UAE) từ 15/2 để mở rộng thị trường Trung Đông; sang Hoa Kỳ từ 22/2; sang Brasil trong tháng 3.
Đồng thời, mở rộng thị trường sang Nhật Bản trong tháng 3, Liên bang Nga tháng 6; Australia và New Zealand tháng 7/2020; Hàn Quốc tháng 8; châu Âu quý 2/2020; Indonesia, Myanmar quý 3 …
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ thường xuyên trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thu xếp các chuyến công tác của chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam trong quý 1 và quý 2 để tháo gỡ khó khăn; đồng thời, tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc tại thời điểm phù hợp nhất ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch viêm phổi cấp và công bố mở cửa lại bình thường.
Ngoài ra, ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.
Bộ cũng tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 13h30, ngày 3/2, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) trên thế giới cụ thể như sau:
- Tổng số trường hợp mắc: 17.390, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 17.205
- Tổng số trường hợp tử vong: 362, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 361, tại Philippines: 1
- Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc: 185.
- 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899