Các dự án năng lượng tái tạo đang “ngồi trên đống lửa” vì áp lực lãi vay

07/04/2023, 15:21
báo nói -

TCDN - Các chủ đầu tư dự án điện năng lượng tái tạo không nằm trong diện hưởng giá điện cố định đang phải đối mặt với áp lực lãi vay đến từ các ngân hàng, thậm chí có nguy cơ phá sản và để lại khối nợ xấu khổng lồ cho hệ thống ngân hàng.

Theo thống kê hiện có 34/84 dự án năng lượng chuyển tiếp với tổng công suất 2.090,97 MW, bao gồm: 28 dự án điện gió 1.638,35 MW và 6 dự án điện mặt trời 452,62 MWac, đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm nhưng vì không kịp tiến độ do đại dịch Covid-19 kéo dài nên không kịp hưởng giá điện cố định (giá FIT) như các quy định của Nhà nước. 

Bên cạnh đó 34 dự án trên hoàn thành đầu tư với tổng giá trị 85 nghìn tỷ đồng, trong đó tiền vay ngân hàng 58 nghìn tỷ đồng đắp chiếu hơn một năm qua. Sự thay đổi của chính sách mua điện và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 dẫn đến không có doanh thu bán điện nhưng lãi vay vẫn phải trả. Chính những yếu tố này khiến cho các chủ đầu tư “như ngồi trên đống lửa” khi phải đối mặt với áp lực lãi vay, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Dự án điện tái tạo tại Ninh Thuận do Trung Nam Group làm chủ đầu tư. Ảnh minh họa.

Dự án điện tái tạo tại Ninh Thuận do Trung Nam Group làm chủ đầu tư. Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Fiinratings, trái phiếu tài trợ cho các dự án điện tái tạo tăng mạnh trong giai đoạn 2019-2021, chiếm tới 70-85% tổng giá trị trái phiếu năng lượng phát hành với thời hạn đáo hạn dài, trung bình 7-8 năm.

Nguyên nhân doanh nghiệp năng lượng miệt mài huy động vốn trái phiếu thời gian qua là do các nhà đầu tư chạy đua vận hành thương mại (COD) để nhận được giá ưu đãi FIT cho các dự án điện mặt trời và điện gió.

Tuy nhiên, do nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao và dự án không có dòng tiền về, khiến các doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo gặp nhiều khó khăn về tài chính, đặc biệt là những bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua buộc doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn.

Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng như HDBank, Sacombank, VPBank, SHB, OCB… ồ ạt triển khai các chương trình cho vay các dự án năng lượng tái tạo, với tỷ lệ cho vay rất lớn. Điều này khiến dư nợ cho vay các dự án tín dụng xanh của các ngân hàng lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Những dự án vay tới 70-80% vốn giờ đây khiến nhiều chủ đầu tư làm điện gió, điện mặt trời đang “đứng ngồi không yên” khi “cõng” nợ ngân hàng rất lớn cùng lãi suất cho vay tăng cao.

Đầu năm 2023, dựa trên những tính toán từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, sau một thời gian dài các dự án rơi vào đình trệ.

Theo đó, giá điện mặt trời mặt đất là 1.184 đồng/kWh, thấp hơn 29,5% so với mức giá FIT đã công bố trước đó. Giá điện gió trên bờ và ngoài khơi cũng thấp hơn khoảng 21%, lần lượt là 1.587 đồng/kWh và 1.816 đồng/kWh.

Thu Thủy
Bạn đang đọc bài viết Các dự án năng lượng tái tạo đang “ngồi trên đống lửa” vì áp lực lãi vay tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan