Các nền tảng xuyên biên giới nếu không tuân thủ quy định có thể bị dừng hoạt động

12/11/2024, 14:51
báo nói -

TCDN - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các nền tảng xuyên biên giới, kể cả chưa có đại diện tại Việt Nam, khi làm ăn kinh doanh tại Việt Nam là phải tuân thủ luật pháp Việt Nam và nếu không tuân thủ là chúng ta có đủ năng lực để dừng toàn bộ hoạt động.

Đặt vấn đề với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho hay, hiện nay, tình trạng quảng cáo không đúng gây hiểu nhầm, thậm chí có thể là lừa đảo, bất hợp pháp chủ yếu trên môi trường mạng và thường gắn với thương mại điện tử; quảng cáo xuyên biên giới diễn ra rất nhiều gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức và có thể gây phương hại an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Về mặt thể chế, chúng ta đã và đang hoàn thiện như ban hành Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử hay đang có ý kiến về Luật Quảng cáo.

Với trách nhiệm là tư lệnh ngành, xin Bộ trưởng cho biết thêm về giải pháp tổ chức và triển khai thực hiện những pháp luật này để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời để quản lý hiệu quả, từ đó phòng ngừa từ sớm, từ xa, ngăn chặn kịp thời những vi phạm nhằm bảo vệ tốt nhất cho người dân, tổ chức và quốc gia.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Về nội dung này, lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, mọi ngành, mọi cấp phải lên không gian mạng quản lý phần nhà mình, không còn cách nào khác và khi phát hiện ra những sai phạm cần phải xác định danh tính, cần phải ngăn chặn thì Bộ Thông tin và Truyền thông có đủ các công cụ để làm việc này. Các nền tảng xuyên biên giới, kể cả chưa có đại diện tại Việt Nam, khi làm ăn kinh doanh tại Việt Nam là phải tuân thủ luật pháp Việt Nam và nếu không tuân thủ là chúng ta có đủ năng lực để dừng toàn bộ hoạt động. Cho nên bây giờ vẫn phải nhà nào, nhà nấy quản phần của mình thì không gian mạng mới lành mạnh được.

Cũng theo Bộ trưởng, các nền tảng xuyên biên giới kinh doanh ở Việt Nam giống như chợ, ông là chủ chợ phải làm sạch chợ, tức ông phải làm sạch ông. Để họ tự làm sạch được thì trách nhiệm của các cơ quan liên quan, bộ, ngành liên quan là định nghĩa được quảng cáo nào vi phạm một cách tường minh. Khi định nghĩa tường minh thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các nền tảng này phát triển các công cụ để rà quét, tự tháo gỡ và đây là trách nhiệm của họ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng, phối hợp với các bộ, ngành liên quan như y tế, công thương, đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật về rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào nền tảng mạng xã hội lớn, có nhiều vi phạm như Facebook, Youtube, Tiktok, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các đại lý quảng cáo có nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật, tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Liên quan đến quảng cáo kém chất lượng, sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội của các đại biểu đặt ra, Bộ trưởng cho biết, đối với quảng cáo thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đã có công cụ rà quét phát hiện quảng cáo sai sự thật và gửi cho chúng tôi để xác định danh tính và ngăn chặn. Bộ Công Thương có hẳn một Tổng cục Quản lý thị trường xử lý các vấn đề về kém chất lượng và khi cần thiết sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xác định danh tính cũng như ngăn chặn.

Quốc hội đang xem xét sửa Luật Quảng cáo, trong đó bổ sung các quy định về xác mịnh danh tính của những người thực hiện quảng cáo để có thể truy tìm ra nhãn hàng, công ty quảng cáo, người phát hành quảng cáo; bổ sung các quy định cho phép xử phạt các nền tảng xuyên biên giới, trước đây không có quy định này còn bây giờ là các nền tảng xuyên biên giới, kể cả không có đại diện người Việt Nam cũng có các hình thức xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, về quản lý quảng cáo, nước mình tiếp cận hơi khác biệt. Hiện nay có các cơ quan báo chí đăng tin, mạng xã hội phát hành quảng cáo, có các nhãn hàng quảng cáo thì phải có các công ty đại lý quảng cáo, mình hơi chú trọng vào các cơ quan báo chí, tức là người phát hành quảng cáo và hơi chú trọng vào các công ty quảng cáo để mình quản lý, nhưng thực ra chúng ta phải xử lý nhãn hàng mới là gốc.

Cho nên, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội cân nhắc là quản lý đều tay. Chúng ta vẫn tiếp tục quản lý các cơ quan báo chí, trang tin, mạng xã hội là những nền tảng phát hành quảng cáo, vẫn tiếp tục xử lý các công ty quảng cáo, nhất là các công ty quảng cáo xuyên biên giới, có trách nhiệm rà quét, tháo gỡ nhưng cũng phải xử lý các nhãn hàng và khi phát hiện vi phạm thì phải xử lý mạnh tay với các nhãn hàng.

“Đi như vậy đều chân thì việc quảng cáo trên không gian mạng sẽ tốt hơn rất nhiều và đồng thời với đó là giáo dục rồi truyền thông để có những người tiêu dùng thông minh. Nói chung, lên không gian mạng thì phải có đề kháng, phải biết tự bảo vệ mình về công tác truyền thông, đào tạo, đặc biệt kể cả đào tạo kỹ năng số từ các trường phổ thông”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Trả lời về trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với việc quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng nói: “Hết trách nhiệm chưa thì tôi không dám nói, nhưng chúng tôi cũng làm hết sức, từng ngày, từng giờ và chúng ta cũng có rất nhiều tiến triển. Tôi nói ví dụ một tiến triển, trước đây chúng ta có đưa thông tin sai sự thật, quảng cáo sai, đưa cho các mạng xã hội thì họ cũng không gỡ, 10 việc họ thực hiện 1-2 việc, tức là 10-20%, còn bây giờ thực hiện rất nghiêm, trên 95%, đã lệnh nhà nước thì các nền tảng kể cả xuyên biên giới phải thực hiện. Trước đây mình đưa thì họ mới gỡ, còn bây giờ nhà nước yêu cầu trên mạng xã hội phải phát triển các công cụ số, phải tự rà quét, phải tự hạ xuống, mình đưa gần vào pháp luật và họ phải thực hiện”.

Cùng với đó, trước đây họ chỉ gỡ nội dung sai phạm, còn người và tài khoản thực hiện có khi họ vẫn để, nhưng bây giờ nếu tái phạm nhiều lần sẽ hạ tài khoản đó xuống, ngăn chặn cả tài khoản luôn và trang thông tin lại lặp lại nhiều lần quảng cáo sẽ cắt cả trang luôn. Chúng ta cũng đang từng ngày, từng giờ tiến triển, đây cũng là câu chuyện toàn cầu, chúng ta cũng học tập kinh nghiệm các quốc gia làm.

Bình An
Bạn đang đọc bài viết Các nền tảng xuyên biên giới nếu không tuân thủ quy định có thể bị dừng hoạt động tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tổng cục Thuế nói về quản lý sàn thương mại điện tử xuyên biên giới
Tổng cục Thuế khẳng định, công tác quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử cả trong nước và sàn TMĐT có yếu tố xuyên biên biên giới mà hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đều được cơ quan thuế Việt Nam thực hiện quản lý thuế chặt chẽ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, công bằng, minh bạch.
Bộ Công Thương: Cảnh giác với chiêu trò giả mạo Chương trình thương mại điện tử xuyên biên giới để lừa đảo
Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp và người dân nên cảnh giác với các thông tin sử dụng logo, tên của Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số và Amazon Global Selling Việt Nam để giả mạo Chương trình thương mại điện tử xuyên quốc gia nhằm mục đích lừa đảo.