Các tập đoàn vay nợ, trốn thuế, cắt việc làm và đẩy giá cổ phiếu
TCDN - Thay vì đảm bảo việc làm cho người lao động, hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới tập trung trả nhiều tiền hơn cho cổ đông, tìm mọi cách để đẩy giá cổ phiếu lên cao.
Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, lợi nhuận của các công ty nằm trong danh sách 500 tập đoàn hàng đầu toàn cầu (tính theo doanh số) tăng 156% từ 820 tỷ USD năm 2009 lên 2.100 tỷ USD năm 2019, theo ước tính của tổ chức phi lợi nhuận Oxfam.
Điều đáng nói là hầu hết khoản lời này không được đầu tư vào năng lực sản xuất của công ty, chẳng hạn như lương của nhân viên hoặc chất lượng công việc. Mức lương thấp và điều kiện làm việc tệ hại vẫn là thách thức toàn cầu.
Báo cáo Power, Profits and the Pandamic được Oxfam công bố hôm 10/9 chỉ ra lợi nhuận doanh nghiệp cũng không đến tay các chính phủ thông qua hình thức nộp thuế.
Theo những ước tính khác nhau, số tiền thuế bị gian lận trên toàn cầu có thể lên tới 500 tỷ USD/năm, thậm chí ở nhiều quốc gia phụ thuộc vào thuế để tài trợ cho các dịch vụ công.
Như vậy, một khoản lời lớn không được đầu tư vào các chương trình bảo trợ xã hội, cơ sở hạ tầng y tế và đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu.
Vay tiền, trốn thuế, cắt giảm việc làm
"Nếu lợi nhuận của doanh nghiệp được đầu tư vào việc tăng cường sức mạnh cho người lao động và chính phủ, cả doanh nghiệp và xã hội nói chung sẽ được chuẩn bị tốt hơn trước các tác động của dịch Covid-19", báo cáo của Oxfam nhấn mạnh.
Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Oxfam được công bố hồi tháng 4, mức thất thu thuế ước tính do hành vi trốn và tránh thuế trong giai đoạn 2013-2017 dao động trong khoảng 13.300-20.700 tỷ đồng/năm, tương đương 6,4-9,9% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp, gấp khoảng 3-4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm của các cơ quan quản lý.
Thay vào đó, trong thập kỷ qua, phần lớn lợi nhuận của các tập đoàn lớn toàn cầu về tay những cổ đông giàu có. Oxfam nhận định triết lý ưu tiên cổ đông đã trở thành xu hướng chủ đạo tại nhiều công ty lớn trên thế giới.
Do đó, họ thường không đầu tư vào nhân viên, khả năng đổi mới và khả năng ứng biến trước những mối đe dọa cận kề như biến đổi khí hậu.
Ở nhiều nơi trên thế giới, lương cho các giám đốc điều hành không còn phản ánh những giá trị mà công ty tạo ra. Thay vào đó, đó là phần thưởng cho các quyết định giúp giá cổ phiếu tăng cao.
Chẳng hạn, mức thưởng trung bình liên quan đến giá cổ phiếu dành cho giám đốc điều hành tại Mỹ đã tăng từ 60% lên 85% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Từ năm 2010 đến năm 2019, các công ty thuộc nhóm S&P 500 dành 9.100 tỷ USD để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương 90% lợi nhuận trong thời kỳ đó. Vào năm 2015, 2016 và 2018, những tập đoàn này chi trung bình hơn 100% lợi nhuận cho các khoản tiền liên quan đến cổ đông.
Nói cách khác, nhiều công ty không chỉ trả hết lợi nhuận cho cổ đông, mà đôi khi còn lâm vào cảnh nợ nần hoặc sử dụng tiền dự trữ để trả cho các cổ đông giàu có, nhằm đẩy giá cổ phiếu lên cao. Một phần nguyên nhân là chi phí vay tiền đang rất rẻ do lãi suất thấp.
Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nợ ròng của các công ty S&P 500 đã tăng gần 200% kể từ năm 2015.
Đẩy giá cổ phiếu bằng mọi giá
Oxfam cũng phân tích hồ sơ tài chính của 59 công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới trên khắp Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Brazil, Ấn Độ, Nigeria và Nam Phi trong 5 năm qua. Theo đó, từ năm 2016 đến năm 2019, 59 công ty này phân chia 1.800 tỷ USD cho cổ đông, trả trung bình 84% lợi nhuận.
Chevron, Procter & Gamble và BP là những công ty trả cho cổ đông cao nhất tính theo phần trăm thu nhập. Trong khi đó, tính riêng năm 2019, Apple đã chi đến 81 tỷ USD để trả cổ tức.
Các nghiên cứu chỉ ra chiến lược tối đa hóa lợi ích của cổ đông đang khiến cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 trở nên trầm trọng và tốn kém hơn.
Báo cáo của Oxfam ghi nhận 10 thương hiệu may mặc lớn nhất thế giới đã trả 74% lợi nhuận, tương đương 21 tỷ USD, cho cổ đông bằng cổ tức và mua lại cổ phần trong năm 2019.
Trong khi đó, chỉ riêng năm nay, 2,2 triệu công nhân ở Bangladesh đã bị ảnh hưởng khi các đơn hàng dệt may bị hủy bỏ. Hàng loạt nhà máy đóng cửa đã làm giảm khoảng 3 tỷ USD doanh thu của nước này.
Tại Ấn Độ, hàng trăm công nhân ở đồn điền chè, trong đó có phụ nữ, không được trả lương vì ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19. Trong khi đó, một số công ty chè lớn nhất cả nước vẫn tăng lợi nhuận hoặc duy trì tỷ suất lợi nhuận nhờ cắt giảm chi phí.
Các hoạt động khai thác ở Peru vẫn được triển khai bất chấp nguy cơ lây nhiễm giữa những người lao động. Chevron công bố cắt giảm 10-15% lực lượng lao động trên toàn cầu nhưng lại chi nhiều tiền mặt hơn để trả cổ tức và mua lại cổ phần trong quý I/2020 so với mức thu được từ hoạt động kinh doanh chính.
Dangote Cement, công ty xi măng lớn nhất Nigeria, bị cáo buộc sa thải hơn 3.000 nhân viên mà không thông báo trước hoặc sai thủ tục trong khi vẫn dự kiến trả 136% lợi nhuận cho cổ đông vào năm 2020. Ba công ty chăm sóc sức khỏe lớn nhất Nam Phi, Netcare, Mediclinic và Life Healthcare Group trả 163% lợi nhuận cho các cổ đông thông qua cổ tức và mua lại cổ phần.
Ngành hàng không Mỹ đã nhận 50 tỷ USD tiền cứu trợ từ chính phủ. Đáng nói là khoản tiền này gần bằng số tiền mà các công ty chi cho cổ đông từ năm 2015 đến nay. Hơn 400.000 việc làm trong ngành công nghiệp này bị xóa bỏ.
Tương tự là tình trạng thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân và xét nghiệm Covid-19 ở những công ty chăm sóc sức khỏe đã chi phần lớn thu nhập để trả cổ tức.
Đại dịch nên là chất xúc tác để tái cấu trúc mô hình kinh doanh và trao phần thưởng cho bất cứ ai tạo ra lợi nhuận, từ đó tạo nên một "nền kinh tế dành cho tất cả".
Giám đốc điều hành Oxfam International Chema Vera
Trước tình hình này, Oxfam kêu gọi ưu tiên hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp nhỏ. Các biện pháp bao gồm thuế lợi nhuận Covid-19 áp trên những khoản lời của các tập đoàn lớn trong thời kỳ đại dịch.
"Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng. Chúng ta phải lựa chọn giữa quay trở lại 'kinh doanh như bình thường' hoặc học hỏi để thiết lập một nền kinh tế công bằng và bền vững hơn", Giám đốc điều hành Oxfam International Chema Vera nhấn mạnh. Theo ông, đại dịch nên là chất xúc tác để củng cố sức mạnh doanh nghiệp, tái cấu trúc mô hình kinh doanh và trao phần thưởng cho tất cả những ai tạo ra lợi nhuận, từ đó tạo nên một "nền kinh tế dành cho tất cả".
Riêng đối với các nhà đầu tư, theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital, mức cổ tức lớn không phải tất cả.
"Những vấn đề phi tài chính như biến đối khí hậu, môi trường sinh thái, các chính sách đối với người lao động cũng đáng được quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hiệu quả của khoản đầu tư", ông nhận định trong cuộc phỏng vấn với phóng viên.
Theo Zing
email: [email protected], hotline: 086 508 6899