CEO Mancom Ngô Trọng Thanh: Khó khăn nào cũng có giải pháp

13/10/2023, 07:49
báo nói -

TCDN - Theo CEO Mancom Ngô Trọng Thanh, doanh nghiệp Việt phần lớn là có quy mô nhỏ nhưng có sự linh hoạt để thích ứng với sự biến động thị trường. Đã trải qua bao nhiêu biến cố và khủng hoảng, doanh nghiệp chúng ta cứ lặng lẽ tự đối mặt tự cứu mình trước khi trời cứu. Khó khăn nào cũng có giải pháp.

Từ góc độ của một chuyên gia marketing, Tổng giám đốc Công ty Mancom Ngô Trọng Thanh đã có những chia sẻ với Tài chính Doanh nghiệp về bức tranh kinh tế Việt Nam trong thời điểm nhiều biến cố và khủng hoảng hiện nay.

Trong hơn 30 năm làm việc, với tư cách người làm công và người chủ doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về sức tàn phá của đại dịch Covid-19 vừa qua?

Đã có nhiều góc nhìn rất đối chọi nhau về thực trạng doanh nghiệp hiện nay. Có những ý kiến màu hồng thật tươi sáng từ nhà quản lý vĩ mô, nhưng cũng có những bức tranh sẫm màu từ các doanh nghiệp. Tôi thậm chí thật khó dám đưa ra ý kiến của cá nhân mình trong bối cảnh như vậy.

Vì vậy, tôi xin đưa ra hai hình ảnh rất ấn tượng với cá nhân tôi, từ những gì tôi quan sát được:

Mấy tháng gần đây, tôi đi công tác nước ngoài khá nhiều, chủ yếu là các quốc gia lân cận: Trung Quốc, Đài Loan, Phillippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan. Chưa bao giờ sân bay vắng lặng đến vậy, và cũng chưa bao giờ tôi làm thủ tục xuất nhập cảnh nhanh đến vậy, vì quá vắng khách.

Những đối tác mà tôi gặp gỡ, đều rất cởi mở và nói rằng họ đang trải qua những thời điểm đen tối nhất trong công việc kinh doanh. Họ thậm chí sẵn sàng giảm giá 10-20% để có đơn hàng.

Là một nền kinh tế mở, sự thông thương với các nước lân cận đóng vai trò lớn cho công việc gia công, xuất khẩu của chúng ta. Mấy chục ngàn công nhân bị đứt việc trong Bình Dương, Đồng Nai hẳn là hệ quả trực tiếp của sự trầm lắng ở sân bay nước bạn.

Và điều thứ hai, tôi tin rằng không phải là điều ngẫu nhiên khi phần lớn các doanh nhân là bạn bè, đối tác của tôi đang có biểu hiện chung - bệnh đau dạ dày trong những thời gian này. Bạn biết đấy, bệnh dạ dày thường là hệ quả trực tiếp từ việc bị stress lâu ngày.

Tò mò chút, vậy bản thân ông có mắc bệnh dạ dày không ạ?

Thật may là tôi chưa bị tái phát, kể từ ngày thành lập công ty riêng đúng 20 năm trước đây, ngày 13/10/2003.

at43-15708568189391785508206-crop-1570856873185847862774-crop-1570899094644840299967

Theo ông, doanh nghiệp Việt cần chú trọng vào vấn đề gì để vực lại sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19?

Doanh nghiệp của chúng ta phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ. Một mặt, đây là điều đáng lo ngại về quy mô, hiệu quả và sự sáng tạo thông qua nguồn lực đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển). Nhưng dưới một góc nhìn khác, chính quy mô nhỏ lại có sự linh hoạt hơn để thích ứng với sự biến động thị trường.

Đã trải qua bao nhiêu biến cố và khủng hoảng, doanh nghiệp chúng ta cứ lặng lẽ tự đối mặt, tự cứu mình trước khi trời cứu.

Tuy nhiên, những cú sốc dồn dập, từ hậu quả của đại dịch, dẫn đến sự sụt giảm thị trường xuất khẩu cũng như mức cầu của thị trường nội địa đã làm cho quá nhiều doanh nghiệp không còn cơ hội tồn tại. Và lúc này, sự hỗ trợ vĩ mô là điều cần thiết, để mang lại khoảng không gian hồi sức và nuôi dưỡng cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Nói chuyện với các bạn doanh nhân nước ngoài, tôi thực sự ấn tượng với những hỗ trợ rất thiết thực và kịp thời của chính quyền nước bạn. Ví dụ, ở Taiwan, họ có hẳn một chương trình ưu đãi dành cho hơn 10 ngành hàng mũi nhọn. Bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nào, nếu có một ý tưởng phù hợp sẽ được cấp khoản tín dụng lên tới hơn 50% vốn đầu tư, với sự hỗ trợ rất lớn về lãi suất. 

Từ góc độ của một chuyên gia marketing, ông nhận định có cơ hội nào cho doanh nghiệp bứt phá trong giai đoạn này?

Thị trường nội địa của chúng ta rất lướn, với gần 100 triệu người. Với bất kỳ một doanh nghiệp nào, quy mô dân số và sức mua của thị trường đều là điều quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh doanh. Với chúng ta, những người sinh ra và lớn lên trong môi trường đó, đôi khi quên mất điều quý giá nhất trong tay.

Tôi muốn nói rằng, trong bất kỳ tình huống nào, vẫn có những cơ hội mở ra nếu chúng ta có sự sáng tạo trong cách nghĩ và cách làm.

Tôi đang hỗ trợ một đối tác trong dự án mang tên ‘1001 DSV- Ngàn lẻ một Đặc sản Việt’. Mục tiêu của dự án này, là tôn vinh và phát triển những đặc sản vùng miền khắp nơi trên đất nước ta. Bạn biết đấy, cha ông ta đã để lại cho chúng ta một vốn quí độc đáo và phong phú về ẩm thực. Hầu như bất kỳ một miền quê nào của chúng ta cũng có những món ăn đặc sản, thấm đậm hương vị riêng, mà nhắc tới sẽ làm chúng ta chảy nước miếng: thịt giả cầy, nem hải sản Hải Phòng, mắm tôm Thanh Hóa, cá kho làng Vũ Đại,… Dự án này sẽ hỗ trợ những nhà sản xuất phát triển đặc sản địa phương nâng cấp quy trình sản xuất theo chuẩn ISO22000 nhưng vẫn giữ nguyên hương vị nguyên bản, và được mang nhãn hiệu 1001 DSV để bảo chứng về chất lượng, và thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại.

Cuộc sống càng phát triển, con người càng muốn quay về với nguồn cội, với thiên nhiên, với bản sắc dân tộc. Tôi tin rằng, dự án này sẽ có kết quả tốt đẹp!

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông muốn nhắn nhủ điều gì đến các doanh nhân?

Hãy nghĩ đến những ngày đầu khởi nghiệp, để thấy rằng khó khăn nào cũng có giải pháp.

Viết Dinh
Bạn đang đọc bài viết CEO Mancom Ngô Trọng Thanh: Khó khăn nào cũng có giải pháp tại chuyên mục DOANH NHÂN của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngày 11/5, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị triển khai kế hoạch hợp tác năm 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), doanh nhân Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB đã vinh dự được trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển ĐHQGHN.