Châu Á Thái Bình Dương có còn nhiều thách thức về môi trường nước

30/08/2016, 09:12

TCDN - Theo một báo cáo mới được công bố của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), an ninh nước ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương nhìn chung đã có tiến triển trong 5 năm qua, song vẫn còn những thách thức lớn, bao gồm khai thác nước ngầm quá mức, nhu cầu từ dân số đang gia tăng, và khí hậu thất thường.

Báo cáo Triển vọng Phát triển Nước Châu Á (AWDO 2016) được công bố hôm nay tại Tuần lễ Nước Thế giới ở Xtốc-khôm đưa ra một cái nhìn tổng thể về hiện trạng an ninh nước của 48 quốc gia trong khu vực, sử dụng các tập hợp dữ liệu mới nhất. Theo các dữ liệu này, số quốc gia bị đánh giá là không bảo đảm an ninh nước đã giảm xuống còn 29 so với con số 38 quốc gia (trong số 49 quốc gia) được xác định trong bản báo cáo trước đây vào năm 2013.

Ông Bambang Susantono, Phó Chủ tịch ADB chuyên trách Quản lý Tri thức và Phát triển bền vững, người chủ trì buổi công bố, đã phát biểu: “Châu Á và Thái Bình Dương vẫn là khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất thế giới bởi tình trạng mất an ninh nước và không thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế gần đây nếu không giải quyết vấn đề này. Để ứng phó những thách thức về kinh tế - xã hội của khu vực và đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 6 về nước, sẽ đòi hỏi phải thu hẹp khoảng cách trong việc cung cấp các dịch vụ về nước giữa người giàu và người nghèo ở khu vực đô thị, cũng như giữa nông thôn và thành thị.”


Báo cáo này đưa ra con số 1,7 tỷ người thiếu tiếp cận các dịch vụ vệ sinh cơ bản tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. Những ước tính gần đây cho thấy rằng tới năm 2050, 3,4 tỷ người có thể sống tại các khu vực có tình trạng căng thẳng về nước ở Châu Á và Thái Bình Dương, trong khi nhu cầu về nước sẽ tăng tới 55%.

Báo cáo AWDO 2016 đánh giá an ninh nước theo năm tiêu chí chủ chốt – bao gồm tiếp cận của hộ gia đình, tính khả thi kinh tế, các dịch vụ đô thị, bảo tồn các dòng sông và hệ sinh thái, và khả năng chống đỡ các thảm họa liên quan tới nước. Những nền kinh tế tiên tiến như Ôx- trây-lia, Nhật Bản và Niu Di-lân vẫn liên tục dẫn đầu, tiếp đó là các nước ở Đông Á, đứng đầu là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – quốc gia đã có bước tiến lớn nhất trong việc cải thiện tình trạng an ninh nước kể từ báo cáo AWDO 2013.

Về tiếp cận của hộ gia đình tới nước máy và điều kiện vệ sinh cải thiện, điểm số an ninh nước tại Châu Á và Thái Bình Dương tính theo thang điểm 20 dao động từ 4,5 ở Nam Á tới 20 đối với các nền kinh tế phát triển. Kể từ năm 2013, tất cả các nơi trong khu vực đã cải thiện thành tích khoảng 2 điểm, ngoại trừ các đảo quốc Thái Bình Dương. Song mặc dù khoảng cách giữa nông thôn - thành thị đã được thu hẹp tại một số nước (như Ác-mê-ni-a và Thái Lan), báo cáo cho thấy vẫn còn những khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, và giữa người giàu với người nghèo trong các dịch vụ và cơ sở hạ tầng cấp nước qua đường ống và vệ sinh. Đặc biệt, các quốc gia Đông Nam Á cần thực thi những nỗ lực đáng kể để cải thiện điểm số theo tiêu chí này.

Tiêu chí then chốt thứ hai, an ninh nước kinh tế, đưa ra đánh giá về hiệu quả sử dụng nước trong sản xuất lương thực, nông nghiệp và năng lượng để duy trì tăng trưởng kinh tế. Phần lớn thay đổi kể từ năm 2013 là tích cực, trong đó các nước phát triển một lần nữa ghi nhận điểm số cao nhất, trong khi các đảo quốc Thái Bình Dương tụt lại phía sau. Nhưng vẫn còn nhiều điểm cần được cải thiện trong khu vực. Những quốc gia cần tăng cường cải thiện các điều kiện hiện thời tập trung ở Trung Á.

Về tiêu chí thứ ba, an ninh nước đô thị, Đông Á đã cho thấy những tiến triển tích cực trong khi Nam Á và Đông Nam Á vẫn cần cải thiện hơn, nhất là Mi-an-ma, Pa-ki-xtan và Phi-líp-pin. Gần một nửa các nền kinh tế có tỷ lệ cấp nước qua đường ống trên 85%, song chưa đầy 50% dân số đô thị được tiếp cận các điều kiện vệ sinh cải thiện. Tại nhiều khu vực, phần lớn nước thải được xả vào môi trường mà không qua xử lý hoặc chỉ được xử lý qua loa.Báo cáo cho rằng cần có sự lãnh đạo và đầu tư đáng kể để đáp ứng nhu về nước của các thành phố một cách ổn định.

Tiêu chí then chốt thứ tư đánh giá mức độ một quốc gia có thể quản lý các lưu vực sông và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái tốt tới đâu. Tiêu chí này cho thấy các kết quả dao động đáng kể, với các đảo quốc Thái Bình Dương đạt điểm số cao do độ lành mạnh cao của sông ngòi, trong khi các nền kinh tế phát triển đạt điểm cao do quản lý tốt. Báo cáo cho thấy tình trạng suy giảm độ lành mạnh của sông ngòi được nhận thấy rõ nhất ở Băng-la-đét, vùng hạ lưu sông Dương Tử ở Trung Quốc, Nê-pan, và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Đối với tiêu chí then chốt thứ năm, khả năng chống đỡ các thảm họa liên quan tới nước, các nền kinh tế tiên tiến cho thấy hiệu quả cao nhất, trong khi hầu hết phần còn lại của Châu Á và Thái Bình Dương đều yếu kém. Từ năm 1995 tới 2015, có khoảng 2.495 thảm họa liên quan tới nước ở Châu Á, khiến 332.000 người thiệt mạng và khoảng 3,7 tỷ người khác bị ảnh hưởng. Đông Nam Á cho thấy điểm số thấp nhất về khả năng chống đỡ, song một số quốc gia khác đã có những cải thiện mạnh mẽ kể từ năm 2013, bao gồm Pa-ki-xtan, Phi-líp-pin và Đài Loan (Trung Quốc).

Báo cáo kết luận rằng mối quan hệ giữa an ninh nước và nền kinh tế có thể là một vòng tròn hiệu quả – hoặc là vòng xoáy tiêu cực. Báo cáo chỉ rõ: “Có một mối quan hệ chặt chẽ giữa quản lý nước và kinh tế, và đầu tư vào quản lý nước tốt có thể được coi là khoản sinh lời dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo. Các khoản đầu tư liên quan tới nước có thể gia tăng hiệu quả kinh tếvà tăng trưởng, trong khi tăng trưởng kinh tế tạo ra nguồn lực để đầu tư vào các thể chế và cơ sở hạ tầng nước đòi hỏi nguồn vốn lớn.”

AWDO 2016 được ADB xây dựng với sự hợp tác của Diễn đàn Nước Châu Á - Thái Bình Dương và ba cơ quan chuyên môn – Trung tâm An ninh Nước Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Thanh Hoa, Viện Quản lý Nước quốc tế, và Trung tâm Nước quốc tế. Viện Phân tích các Hệ thống ứng dụng quốc tế cũng có sự đóng góp đáng kể.

PV
Bạn đang đọc bài viết Châu Á Thái Bình Dương có còn nhiều thách thức về môi trường nước tại chuyên mục Vấn đề hội nhập của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận