Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế lịch sử vì COVID-19

10/11/2020, 14:59

TCDN - Nếu như một làn sóng đại dịch COVID-19 mới ập đến, nền kinh tế châu Âu còn đang kiệt quệ và chìm trong các khoản nợ hiện nay sẽ sớm rơi vào một cuộc suy thoái kép và thời kỳ giảm phát kéo dài.

Theo National Interest, kịch bản này không phải là một điềm báo tốt cho nền kinh tế châu Âu cũng như quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, với trường hợp châu Âu, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực đồng tiền euro là rất cao.

Thậm chí ngay trước khi làn sóng mới nhất của đại dịch bắt đầu, nền kinh tế châu Âu vốn dĩ đã không mấy khả quan. Mặc dù nền kinh tế tại châu lục này có một sự hồi phục mạnh mẽ sau làn sóng COVID-19 đầu tiên, tình hình vẫn bị coi ở mức thấp so với trước đại dịch. Kết quả là, kinh tế châu Âu hiện vẫn rơi vào lạm phát.

Nhân viên y tế diễn tập chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Budapest, Hungary, ngày 27/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế diễn tập chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Budapest, Hungary, ngày 27/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng lúc, thâm hụt ngân sách châu Âu đã tăng lên do các biện pháp tài khóa đáng kể được triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch cũng như sự thất bại trong việc thu thuế của một nền kinh tế yếu ớt. Khi thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng, mức nợ công ở các quốc gia như Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã tăng vọt lên mức kỷ lục sau chiến tranh, từ đó đặt ra nghi vấn mới về khả năng trả nợ của các quốc gia này.

Làn sóng đại dịch mới cũng có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế kép tại châu Âu, kéo theo làm trầm trọng thêm vấn đề giảm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Viễn cảnh này đã khiến Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha phải cân nhắc đến khả năng sớm nới lỏng các hạn chế phong tỏa.

Kịch bản suy thoái kinh tế kép sẽ làm tăng gánh nặng trả nợ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, khiến Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha khó khăn hơn trong việc thoát khỏi cảnh nợ nần. Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế kép cũng sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống giảm phát của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), không cho phép ngân hàng này đạt được mục tiêu lạm phát “dưới 2%”. 

Với lãi suất châu Âu ở mức âm, bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm lãi suất sẽ có nguy cơ gây thêm gánh nặng cho lĩnh vực ngân hàng vốn đã lung lay tại châu Âu. Đồng thời, bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng đáng kể quy mô chương trình mua trái phiếu của ECB sẽ có nguy cơ dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ về mặt chính trị từ các quốc gia, đặc biệt là ở Đức - cổ đông lớn nhất của ECB. Về nguyên tắc, khu vực đồng euro vẫn còn một lối thoát để bước ra khỏi tình trạng kinh tế ảm đạm hiện nay. Đó là nhanh chóng trở thành một liên minh tài khóa chính thức. Một động thái như vậy sẽ cho phép kích hoạt một gói kích thích tài khóa toàn khu vực mà Mỹ cũng sẽ tham gia. Động thái này sẽ giúp các quốc gia trong khu vực vốn đang mắc nợ cao cơ hội vượt qua các hạn chế hiện tại.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng một động thái như trên rất khó sớm xảy ra. Một số quốc gia lớn trong khu vực, bao gồm Đức, Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển hiện vẫn phản đối về một kế hoạch liên minh tài khóa châu Âu.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 51.194.098 ca, trong đó có 1.268.292 người thiệt mạng. Ngày 9/11, thế giới có tới 145 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 103 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên. Tới ngày 10/11, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng 12.386.738 ca bệnh và 296.338 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Theo TTXVN
Bạn đang đọc bài viết Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế lịch sử vì COVID-19 tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan