Châu Âu tiến thoái lưỡng nan trước ngoại giao 'Chiến Lang' của TQ

17/05/2020, 12:49

TCDN - Đại dịch cho thấy EU đang mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc ra sao - họ cần cả hai, nhưng không muốn ngả về bên nào. Nội bộ EU cũng chia rẽ trong cách nhìn nhận Bắc Kinh.

Hồi đầu tháng này, đại sứ châu Âu tại Bắc Kinh đã cam chịu trước áp lực của Bắc Kinh.

Trước thềm kỷ niệm quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc vào ngày 6/5, ông và 27 đại sứ của EU cùng viết một bài ​​có tiêu đề "Quan hệ EU - Trung Quốc đầy sức sống giữa khủng hoảng toàn cầu", đăng trên các website của sứ quán EU và China Daily, báo tiếng Anh của chính phủ Trung Quốc.

China Daily, báo tiếng Anh của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

China Daily, báo tiếng Anh của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

"Sự bùng phát virus corona ở Trung Quốc, và sau đó lan sang phần còn lại của thế giới trong ba tháng qua", theo bài viết với từ ngữ được lựa chọn cẩn trọng, "đã tạm thời làm trật nhịp" các kế hoạch gặp gỡ.

Song trong phiên bản trên China Daily, câu đề cập đến việc virus xuất phát từ Trung Quốc đã bị cắt bỏ.

Nhún nhường trước Trung Quốc

Thay đổi được phát hiện khi bài viết xuất hiện trên các website của sứ quán EU, khiến đại diện các quốc gia thành viên cảm thấy quan ngại. Các nhà ngoại giao cho biết vị đại sứ, nhà ngoại giao Pháp Nicolas Chapuis, đã không hỏi ý kiến ​​cấp trên của ông ở Brussels hoặc các đại sứ khác về việc cắt bỏ. Ông đơn phương chấp nhận việc này, với "sự miễn cưỡng đáng kể", Ủy ban châu Âu cho biết hôm 7/5.

Ông Chapuis nói trong cuộc họp báo rằng đây là điều "đáng tiếc"; cấp trên của ông, cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell, sau đó đã lên tiếng chỉ trích sự việc. Ông Borrell cũng nói rằng việc chấp nhận cắt bỏ câu chữ "không phải là quyết định đúng đắn", dù ông Chapuis vẫn tiếp tục công việc của mình.

China Daily không hồi đáp các yêu cầu bình luận, nhưng người đứng đầu văn phòng của báo ở Brussels, Trần Vệ Hoa, đã phản hồi đại sứ EU trên Twitter, nói rằng, "Ông không làm gì sai. Tôi không nghĩ rằng những người đó nên làm ầm ĩ lên việc cắt bỏ một câu như vậy".

Khi đại dịch virus corona phủ bóng lên địa chính trị, sự việc khắc họa rõ ràng sự lo lắng của các nhà ngoại giao châu Âu về những gì họ coi là mối quan hệ ngày càng xung khắc với Bắc Kinh.

Giữa lúc Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát thiệt hại đối với uy tín toàn cầu của nước này mà đại dịch có thể gây ra, chính phủ ở Bắc Kinh đang nỗ lực kiểm soát câu chuyện từ Berlin đến Bratislava, theo các nguồn tin và tài liệu mà Reuters tiếp cận.

Trong chiến dịch ngoại giao ngày càng quyết đoán và đôi khi hung hăng, Trung Quốc đã tìm cách gây áp lực với các nước châu Âu chỉ trích cách Bắc Kinh xử lý dịch bệnh.

Vào thời điểm mối quan hệ giữa châu Âu với Mỹ vốn đã trở nên căng thẳng vì chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, những tác động từ đại dịch cho thấy rõ EU đang mắc kẹt giữa hai cường quốc như thế nào - họ cần cả hai, nhưng không muốn ngả về bên nào.

Người dân xếp hàng chờ nhận miễn phí khẩu trang mua từ Trung Quốc tại Rome, Italy, hôm 22/4. Ảnh: Reuters.

Người dân xếp hàng chờ nhận miễn phí khẩu trang mua từ Trung Quốc tại Rome, Italy, hôm 22/4. Ảnh: Reuters.

Một mặt, các quan chức ở Brussels và các thủ đô châu Âu cho rằng họ cần cho Trung Quốc thấy EU - khối thương mại lớn nhất thế giới, thị trường giàu có với 450 triệu người tiêu dùng - sẽ không để ai thúc ép.

Mặt khác, các quốc gia ở châu Âu hiếm khi nhất trí với nhau. Các quốc gia như Đức có quan hệ thương mại quan trọng với Trung Quốc mà họ không muốn làm tổn hại. Chẳng hạn, các nhà sản xuất Đức phụ thuộc vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, trong việc cung ứng linh kiện lẫn mua xe.

"Chúng tôi không có cấu trúc hoặc văn hóa để ăn miếng trả miếng sự quyết đoán hoặc chơi trò chơi quyền lực như Trung Quốc", một nhà ngoại giao cho biết. "Mục đích của ngoại giao châu Âu kể từ sau Thế chiến II đều là tìm kiếm sự thỏa hiệp. Trung Quốc không nhất thiết phải nhìn mọi thứ như chúng tôi".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các quan chức của Trung Quốc từ chối trả lời các câu hỏi của Reuters về vấn đề này. Ủy ban Châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, từ chối bình luận về các liên hệ ngoại giao.

Những chiến binh sói

Năm nay vốn được cho là năm quan trọng đối với quan hệ Trung Quốc - EU. Cho đến khi virus xuất hiện ở Vũ Hán vào tháng 12, EU đã bắt đầu đạt được tiến bộ với Bắc Kinh sau khi các hội nghị thượng đỉnh căng thẳng năm 2016 và 2017 kết thúc mà không đưa ra được bất kỳ tuyên bố chung nào.

Năm ngoái, Ủy ban Châu Âu đã gọi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh kinh tế và là "đối thủ mang tính hệ thống".

Vào tháng 4/2019, Bắc Kinh lần đầu tiên thừa nhận các vấn đề then chốt như đối xử bình đẳng với các công ty châu Âu tại Trung Quốc, sau nhiều tháng đàm phán, theo các quan chức cấp cao của EU.

Thỏa thuận dự kiến tiếp tục trong năm nay với hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc tại Bắc Kinh và cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước EU tại Leipzig, Đức, vào tháng 9.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc ở Brussels, Bỉ, hồi tháng 4/2019. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc ở Brussels, Bỉ, hồi tháng 4/2019. Ảnh: Reuters.

Song giờ đây, bên cạnh những trở ngại thực tế đối với các cuộc gặp như vậy vì giãn cách xã hội, cả hai bên đang đẩy nhau ra xa.

Ở Trung Quốc, dịch bệnh đã đưa đến một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề quốc tế với tên gọi ngoại giao "Chiến Lang" trên truyền thông ở cả phương Tây và Trung Quốc, theo tên hai phim điện ảnh nổi tiếng của Trung Quốc gần đây, trong đó nhân vật nam chính vượt mặt các đặc vụ bất chính của Mỹ cả về thể lực và trí tuệ.

Được thúc đẩy bởi việc ông Tập kêu gọi đất nước trở nên hùng mạnh hơn, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã phản pháo những lời chỉ trích về xử lý dịch bệnh tại nước này, trên mọi diễn đàn từ mạng xã hội đến truyền hình, mục bình luận trên các tờ báo và thư tín ngoại giao.

Ví dụ nổi bật là vào ngày 12/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris đăng bài viết không ký tên trên website, cho rằng nhân viên chăm sóc tại các viện dưỡng lão ở phương Tây đã bỏ việc, để mặc cư dân chết.

Đại sứ Trung Quốc tại Paris, Lư Sa Dã, bị Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập và sau đó viết một bài khác nói rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Pháp vẫn bền chặt, nhưng không rút lại bài viết ban đầu, động thái mà Pháp phản đối.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các nhà ngoại giao EU rằng chuyện này là giữa Pháp và Trung Quốc, chứ không phải toàn EU, và "giờ đây đã kết thúc", theo bức điện mà phái đoàn EU ở Bắc Kinh gửi về Brussels ngày 22/4.

Vào ngày 26/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã đăng bài viết khác trên website phàn nàn về việc "chỉ trích Trung Quốc" và cho rằng "một số người phương Tây đang bắt đầu mất lòng tin vào nền dân chủ tự do".

Bài viết nói "trong khi ứng phó với dịch bệnh, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã thể hiện khả năng tập trung nguồn lực của mình để phục vụ những thành tựu to lớn".

Janka Oertel, người đứng đầu chương trình châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, cho biết Trung Quốc đang đưa cách tiếp cận trong nước để kiểm soát nhận thức của công chúng sang lĩnh vực ngoại giao.

"Trung Quốc đang cố gắng hết sức để đưa câu chuyện virus corona của họ ra ngoài kia và thay đổi góc nhìn", cô nói. "Họ đang cố gắng làm những gì họ đã làm trong nước, tức tạo ra một câu chuyện và bảo vệ danh tiếng của mình".

Ở Trung Quốc, dịch bệnh mang đến cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề quốc tế với tên gọi ngoại giao

Ở Trung Quốc, dịch bệnh mang đến cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề quốc tế với tên gọi ngoại giao "Chiến Lang" trên truyền thông ở cả phương Tây và Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Chia để trị

Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng đã tiếp cận các quan chức chính phủ Đức để thuyết phục họ đưa ra những tuyên bố tích cực về cách Bắc Kinh xử lý đại dịch, theo một lá thư ngày 22/4 mà Bộ Nội vụ Đức gửi cho nghị sĩ Đức Margarete Bause.

Bức thư cho biết các nhà ngoại giao đã liên lạc riêng với các quan chức Đức để tìm kiếm "những tuyên bố công khai tích cực về việc xử lý virus corona của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Thư nói Đức đã không nghe theo.

Các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một số trường hợp đã gây áp lực để các nhà ngoại giao EU ngăn chặn việc xuất bản một báo cáo của EU phân tích cáo buộc Trung Quốc thực hiện chiến dịch thông tin đánh lạc hướng về virus trên mạng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói báo cáo sẽ "rất tồi tệ cho việc hợp tác", theo một bức điện ngoại giao ngày 22/4 của EU.

Trong phiên bản công khai, được công bố vào ngày 24/4, những lời chỉ trích đối với Trung Quốc đã bị làm cho ít nổi bật hơn.

Nhà ngoại giao hàng đầu EU Borrell, được gọi ra trước Nghị viện Châu Âu vào ngày 30/4 để giải thích về sự khác biệt giữa các phiên bản, cho biết không có sự xuống nước, tài liệu được công bố hướng đến một nhóm công chúng khác và dù áp lực ngoại giao luôn tồn tại, thì "chúng tôi không cúi đầu trước bất cứ ai".

Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách khai thác quan hệ căng thẳng giữa các quốc gia thành lập EU và các thành viên mới hơn, thông qua một nhóm liên lạc đặc biệt của các nước chủ yếu ở Đông Âu gọi là 17+1, trong đó Trung Quốc là 1.

Trung Quốc đã hứa hẹn hàng tỷ USD cho các nước mà nếu không, sẽ phụ thuộc vào các quỹ phát triển của EU hoặc đầu tư bên ngoài để xây dựng đường sắt, đường bộ, sân bay và nhà máy điện.

Tấm biển lớn ghi cảm ơn ông Tập tại thủ đô Belgrade của Serbia hôm 1/4. Ảnh: Reuters.

Tấm biển lớn ghi cảm ơn ông Tập tại thủ đô Belgrade của Serbia hôm 1/4. Ảnh: Reuters.

Mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc với các quốc gia như vậy khiến họ khó đứng lên chống lại Bắc Kinh khi Brussels muốn, theo các quan chức và nhà ngoại giao EU.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch trong hai tháng đầu năm 2020, một nhà ngoại giao cho biết, Slovenia và Slovakia đã yêu cầu sự giúp đỡ của Ủy ban Châu Âu trong việc chống lại áp lực của Trung Quốc buộc các nước này đứng về phía mình trong các vấn đề bao gồm cả nhân quyền. Ông nói rằng các nước này đã gửi đi thông điệp rằng: "Hãy giúp chúng tôi: Chúng tôi không có vũ khí chính trị để đứng lên chống lại Trung Quốc".

Bộ Ngoại giao Slovenia cho biết họ đã không tìm kiếm sự giúp đỡ như vậy, nhưng không rõ liệu các nước khác có hay không. Trong tuyên bố gửi cho Reuters, họ nói rằng các cuộc đàm phán "rất chuyên sâu" đã diễn ra để một thỏa thuận có thể được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh EU -Trung Quốc, giúp "cân bằng quan hệ giữa EU và Trung Quốc". Slovakia đã không hồi đáp yêu cầu bình luận.

Ngoại giao khẩu trang

Khi Covid-19 tấn công Italy và Tây Ban Nha, hai quốc gia thành viên lớn và có ảnh hưởng, các thành viên EU như Đức ban đầu bị chỉ trích vì đã hỗ trợ rất ít. Song Trung Quốc đã gửi hàng trăm nghìn bộ dụng cụ xét nghiệm và khẩu trang cho họ và các quốc gia khác.

Italy đặc biệt thấy cảm kích. Một cuộc thăm dò ý kiến ở Italy với 800 người tham gia, do Viện nghiên cứu SWG thực hiện từ ngày 20/3 đến ngày 12/4, cho thấy hơn 50% người Italy coi Trung Quốc là một đất nước thân thiện, trong khi các cuộc thăm dò khác cho sự ủng hộ từng rất vững chắc đối với EU đang giảm sút.

"Ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc cũng dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong giọng điệu của Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis. Trước đại dịch, ông đã kêu gọi trục xuất đại sứ Trung Quốc sau lá thư đe dọa từ đại sứ quán về chuyến thăm Đài Loan theo kế hoạch của một nhà lập pháp Czech.

Song khi dịch bệnh lan rộng, ông Babis đã đến sân bay để đích thân chào đón một máy bay chở hàng y tế từ Trung Quốc, và công khai cảm ơn vị đại sứ mà ông từng muốn trục xuất.

Ông Babis nói rằng không có mối liên hệ nào giữa những hành động đó. "Khi tôi không thích lá thư của đại sứ, tôi đã nói như vậy", ông nói với Reuters. "Tương tự, tôi không có vấn đề gì trong việc cảm ơn ông ấy một cách công khai khi ông ấy thực sự có đóng góp".

Máy bay chở 100 tấn thiết bị y tế từ Trung Quốc tại sân bay Pardubice ở Cộng hòa Czech hôm 22/3. Ảnh: Reuters

Máy bay chở 100 tấn thiết bị y tế từ Trung Quốc tại sân bay Pardubice ở Cộng hòa Czech hôm 22/3. Ảnh: Reuters

Không phải mọi phản ứng đều đơn giản như vậy. Hà Lan, Tây Ban Nha và giới chức ở các nước châu Âu khác đã đặt câu hỏi về chất lượng của thiết bị được đưa đến - Hà Lan thu hồi một số lô hàng khẩu trang đã được phân phối cho các bệnh viện với lý do chúng không phải khẩu trang y tế, Bộ Y tế Hà Lan cho biết.

Trung Quốc bác bỏ những khiếu nại như vậy, chẳng hạn nói thiết bị xét nghiệm bị lỗi ở Tây Ban Nha được cung cấp bởi một công ty không có giấy phép thích hợp, không liên quan gì đến các lô hàng của chính phủ.

Hội nghị thượng đỉnh

Tại trụ sở EU ở Brussels và các thủ đô châu Âu, các cuộc thảo luận về cách đối phó với đường lối cứng rắn của Trung Quốc đang diễn ra.

Châu Âu trước sau vẫn muốn đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ hơn với Bắc Kinh trong các vấn đề trọng điểm như chính sách khí hậu, đặc biệt là sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris. Đại diện EU và Trung Quốc đã lên tiếng hôm 11/5 về việc mở cửa thương mại. Song có rất ít sự rõ ràng về con đường ngoại giao.

Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc có thể diễn ra vào ngày 3/6, theo một ghi chú về kế hoạch của Ủy ban Châu Âu, nhưng thông qua hình thức trực tuyến, không phải gặp nhau trực tiếp tại Bắc Kinh.

Lần cuối cùng đặc phái viên của 27 nước EU tại Brussels thảo luận chính sách với Trung Quốc vào tháng 3, đại diện Ireland bày tỏ lo ngại rằng "bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc" có thể giành chiến thắng trên mặt trận truyền thông về thương mại, hợp tác và hội nghị thượng đỉnh nói trên.

Đại diện của Pháp tại Brussels kêu gọi EU yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn về các vấn đề như vậy, cũng như về virus corona.

"Chúng ta cần phải bảo vệ vị thế của mình", ông nói.

Bạn đang đọc bài viết Châu Âu tiến thoái lưỡng nan trước ngoại giao 'Chiến Lang' của TQ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Người lao động tại châu Âu được chính phủ trả lương
Để tránh sa thải diện rộng do Covid-19, các chính phủ châu Âu chọn cách "đắt đỏ" là trả lương lao động giúp doanh nghiệp để họ giữ người. Chính phủ cũng sẽ hoãn mọi khoản thuế, trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vòng 6 tháng tới.