Xuất khẩu gỗ tốt nhất dự kiến vào quý III và IV năm nay

17/05/2020, 10:27
báo nói -

TCDN - Thị trường chính của ngành gỗ như Hoa kỳ, các quốc gia Châu Âu, Úc, Canada hạn chế hoặc ngừng nhập hàng hóa..., nên giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm mạnh. Dự báo, trong quý II giá trị xuất khẩu sẽ đạt khoảng 2,18 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 11,3% so với quý I/2020.

xk

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, do dịch bệnh Covid-19 nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cả nước, trong đó ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản.

Khảo sát nhanh tại hơn 200 doanh nghiệp cho thấy 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng; hầu hết các kinh doanh thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường, 86% doanh nghiệp bị ngừng sản xuất 1 phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất.

Hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khiến cho xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tháng 4/2020 giảm khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, mức tăng trưởng xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm vẫn phù hợp với quy luật của một số năm gần dây. Do đó, giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019. Các lao động trong ngành gỗ cũng phải giảm giờ làm việc thông qua giảm ca, bố trí người lao động nghỉ việc luân phân. Theo đó, khoảng 50% người lao động tại các doanh nghiệp lớn phải nghỉ việc, tương ứng khoảng 200.000 người.

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, hiện nay gỗ là 1 trong 3 ngành chủ lực phát triển kinh tế Việt Nam, trong thời điểm cả thế giới khó khăn về dịch bệnh thì ngành gỗ trong 3 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu vẫn đạt 2,77 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2019. Mức tăng trưởng xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm phù hợp với quy luật của một số năm gần đây, do các đơn đặt hàng luôn được ký kết từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Tuy nhiên, sang đến tháng 4, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 tác động mạnh tại một số quốc gia là thị trường chính của ngành gỗ như Hoa kỳ, các quốc gia Châu Âu, Úc, Canada hạn chế hoặc ngừng nhập hàng hóa..., nên giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm mạnh, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm trên 20% so với tháng 3/2020. Dự báo, trong quý II giá trị xuất khẩu sẽ đạt khoảng 2,18 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 11,3% so với quý I/2020.

Trước tình hình đó, thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn yêu cầu các doanh nghiệp trong thời gian tới cần hành động quyết liệt hơn, thực hiện đồng bộ các giải pháp sáng tạo, phấn đấu tăng trưởng 10% so với năm 2019. Trong quý IV ngành gỗ cần đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 15%. Thứ trưởng nhấn mạnh, với năng lực sản xuất phấn đấu, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu cả năm 2020 xuất khẩu đạt khoảng 12 tỷ USD.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam cho hay chúng ta cần xây dựng lại chiến lược phát triển sản phẩm, trong đó phát triển sản phẩm đồ gỗ dành cho gia đình là ưu tiên số một. Thực tế, những nhà máy làm không kịp đơn hàng chính là đi theo cách này, đây là cơ hội mở ra đường hướng cho ngành gỗ. Cùng với đó, ngành gỗ cần phải đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa giải pháp bán hàng. Nhiều cơ sở sản xuất trong nước đã kết nối với nhau để thành lập các nhóm bán hàng online, chia sẻ với các thành viên trong ngành cung ứng cho thị trường nội địa, tạo công ăn việc làm cho lao động trong bối cảnh hiện nay. 

Theo ông Lập, trong thời điểm đang khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu tích cực, chủ động mạnh dạn tái cấu trúc, tìm mọi giải pháp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng chuỗi cung ứng trong nước phục vụ nguyên liệu, thiết bị, vật tư, phụ liệu cho chế biến gỗ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần rà soát lại chiến lược kinh doanh để có nguồn lực tốt nhất khi thời điểm quý III và IV khai thác mục tiêu cao nhất hướng tới xuất khẩu gỗ năm 2020 đạt 12 tỉ USD. Tới đây, cần phải tiếp tục tái cơ cấu ngành hàng sâu rộng hơn theo hướng hiện đại, bền vững và xây dựng chương trình phát triển nguyên liệu quốc gia đáp ứng đủ căn bản nhu cầu, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất và chế biến gỗ.

Minh Tình
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu gỗ tốt nhất dự kiến vào quý III và IV năm nay tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan