"Chính phủ nên xem xét giải cứu tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn"

28/09/2021, 10:18

TCDN - PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, cho đến thời điểm này các doanh nghiệp đều đã yếu đi rất nhiều, nhiều doanh nghiệp đã và đang trên bờ vực phá sản.

Đánh giá về các chính sách Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thời gian vừa qua, theo ông Tuấn, nhiều chính sách vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Ông Tuấn dẫn chứng, vì khó khăn về thủ tục nên gói hỗ trợ cho vay 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% dành cho doanh nghiệp để trả lương cho người lao động mất việc vì COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2020 gần như không có được kết quả bao nhiêu.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Về gói hỗ trợ 26.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai, đến ngày 17/9, hệ thống đã phê duyệt 746 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với số tiền trên 392 tỷ đồng để trả lương cho 112.397 lượt người lao động. Trong đó đã giải ngân được 382 tỷ đồng cho 730 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh thành phố.

“Con số như vậy là quá ít trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp cần hỗ trợ”, ông Tuấn nói.

Kiến nghị về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Bùi Quang Tuấn cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân chịu tác động rất mạnh của bệnh dịch, các giải pháp kiểm soát dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế trước tiên phải lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm và là mục tiêu của các chính sách can thiệp. Duy trì được cho doanh nghiệp sống sót, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh ở mức tối thiểu là yêu cầu đầu tiên.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Chính phủ nên xem xét giải cứu tất cả doanh nghiệp gặp khó khăn vì các doanh nghiệp khác nhau cho đến thời điểm này đều đã yếu đi rất nhiều, nhiều doanh nghiệp đã và đang trên bờ vực phá sản. Việc cứu trợ là cấp thiết hơn bao giờ hết do đó không nên phân biệt doanh nghiệp nào. Còn trong tình huống bắt buộc phải lựa chọn một số đối tượng để giải cứu theo hướng có trọng tâm, trọng điểm do nguồn lực có hạn, thì cần có các tiêu chí phù hợp, bao gồm: doanh nghiệp có triển vọng phục hồi tốt, có năng lực cạnh tranh và chống chịu, thuộc ngành hàng ưu tiên hay thiết yếu, các doanh nghiệp lớn có đóng góp và có ảnh hưởng lớn ở thị trường vì doanh nghiệp lớn mà đổ vỡ có thể kéo theo nhiều đổ vỡ khác trên thị trường”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn đề xuất.

Theo đó, ông Tuấn kiến nghị các giải pháp cụ thể như giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới ngưỡng tối thiểu, giảm thuế giá trị gia tăng ở một số lĩnh vực, ngành hàng. Có thể xem xét một số chính sách cụ thể như: Giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 cho các doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 dưới 200 tỷ; Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 cho các doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 dưới 200 tỷ; Miễn tiền phạt chậm nộp thuế năm 2021 cho các doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 dưới 200 tỷ; Gia hạn nộp thuế đất, tiền thuê đất….

Tiếp tục giảm lãi suất, lãi vay từ phía các ngân hàng thương mại để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp; xem xét cấp tín dụng mới với lãi suất ưu đãi và bằng hình thức tín chấp hoặc thế chấp bằng hàng hóa.

Cho phép các doanh nghiệp khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, dãn, hoãn nợ, hoãn các nghĩa vụ đóng góp về bảo hiểm, công đoàn và các nghĩa vụ khác. Hỗ trợ đầu tư tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo hướng áp dụng công nghệ nhiều hơn, tăng cường chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cùng với đó, tiếp tục tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp FDI theo hướng chọn lọc, hướng tới những dự án có tính lan tỏa lớn (liên kết ngành) cho các doanh nghiệp trong nước (nhất là công nghiệp hỗ trợ), đi liền chuyển giao công nghệ phù hợp và khuyến khích FDI kéo doanh nghiệp trong nước tham gia và/hoặc tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết "Chính phủ nên xem xét giải cứu tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

'Nhiều doanh nghiệp chỉ cầm cự được 1 tháng'
Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp lao đao. Hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, giảm lao động, giảm công suất. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp cầm cự trong 1 tháng đang ngày càng tăng.