Chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam

23/10/2024, 14:35

TCDN - Tại một số quốc gia trên thế giời như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… việc thúc đẩy sự phát triển DNNVV đã được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DNNVV

10-1

TÓM TẮT:

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê thực hiện trong thời gian vừa qua, có thể thấy các doanh nghiệp nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm trên 97% số doanh nghiệp cả nước, giải quyết việc làm khoảng 36% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, thu hút khoảng 32% tổng nguồn vốn, tạo ra doanh thu thuần chiếm khoảng 26% tổng doanh thu thuần của khối doanh nghiệp. Từ những con số trên có thể thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế.

Tại một số quốc gia trên thế giời như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… việc thúc đẩy sự phát triển DNNVV đã được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DNNVV. Do vậy, việc tìm hiểu chính sách hỗ trợ vốn phát triển DNNVV ở những quốc gia này là cần thiết, từ đó đúc kết các bài học kinh nghiệm giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có thêm những thông tin thực tế trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

Nhật Bản

Coi DNNVV là khu vực doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, những năm qua Chính phủ Nhật đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tài chính nhằm phát triển khu vực DNNVV, như: hỗ trợ vốn vay dưới dạng các khoản cho vay thông thường với lãi suất cơ bản hoặc các khoản vay đặc biệt với những ưu đãi theo các mục tiêu chính sách. Hệ thống hỗ trợ tăng cường cơ sở quản lý các DNNVV ở từng khu vực, tùy theo từng điều kiện của khu vực mà các khoản vay được thực hiện thông qua một quỹ được góp chung bởi chính quyền trung ương và các chính quyền địa phương và được ký quỹ ở một thể chế tài chính tư nhân. Nhật Bản cho vay trực tiếp thông qua các cơ quan hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức tài chính công liên quan đến hỗ trợ phát triển DNNVV như: Hội đồng tài chính DNNVV, Hội đồng tài chính nhân dân, Ngân hàng trung ương của các hợp tác xã thương mại và công nghiệp.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Tài chính Nhật Bản cũng mở rộng số lượng các khoản vay đặc biệt dành cho các DNNVV với các khoản vay không lãi suất, không đòi hỏi phải có thế chấp hoặc bảo lãnh; hệ thống bảo lãnh tín dụng nhận bảo lãnh cho các DNNVV vay vốn tại các thể chế tài chính tư nhân. Trong khi đó, Hiệp hội bảo lãnh tín dụng mở rộng các khoản tín dụng bổ sung và bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV. Hệ thống bảo lãnh đặc biệt của Nhật Bản hoạt động như một mạng lưới an toàn, nhằm giảm nhẹ những rối loạn về tín dụng và góp phần làm giảm các vụ phá sản của DNNVV.

Về chính sách thuế, Nhật Bản cũng mở rộng chương trình giảm thuế tài sản cho các DNNVV.

Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, hoạt động của các DNNVV như là vệ tinh chuyên cung cấp bán thành phẩm cho các tập đoàn lớn. Tại quốc gia này, hệ thống hỗ trợ tài chính cho DNNVV bao gồm: hệ thống bảo lãnh tín dụng trực thuộc Ngân hàng Trung ương, các cơ quan tài chính khác thuộc Chính phủ và chính sách thuế. Đây là những công cụ đắc lực mà Chính phủ sử dụng để hỗ trợ DNNVV.

Cụ thể, về bảo lãnh tín dụng, với mục tiêu là giảm nhẹ khó khăn tài chính cho các DNNVV, hệ thống bảo lãnh tín dụng của Hàn Quốc hỗ trợ tài chính cho DNNVV được phân theo 3 kênh chính gồm: Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc, Quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Theo đó, Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc có 50% vốn của Chính phủ, 30% vốn của ngân hàng thương mại và 20% của các định chế tài chính (Nguyễn Thế Bính, 2013). Ngoài bảo lãnh tín dụng, Quỹ này còn cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo về quản lý đối với nhân lực của các DNNVV được quỹ bảo lãnh. Trong khi đó, Quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ được thành lập nhằm triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp công nghệ mới, chuyên cung cấp các dịch vụ bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên cho các DNNVV có triển vọng tốt, ứng dụng công nghệ sạch, nhưng không đủ tài sản đảm bảo.

Còn đối với các chính sách thuế, Hàn Quốc tiến hành hoàn thuế đối với các DNNVV, trong đó tập trung vào những doanh nghiệp đầu tư và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, bao gồm: hoàn lại 15% chi phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; miễn thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế trước bạ đối với nhà cửa và đất đai phục vụ các mục tiêu nghiên cứu phát triển.

Chính sách thuế và hỗ trợ tài chính trở thành công cụ đắc lực mà Chính phủ Hàn Quốc sử dụng để hỗ trợ cho DNNVV phát triển. Chính sách này tập trung vào 3 giai đoạn của vòng đời doanh nghiệp, đó là khởi nghiệp, nuôi dưỡng thúc đẩy tăng trưởng và tăng trưởng bền vững, toàn cầu hóa.

Trung Quốc

Trung Quốc có khoảng 52 triệu DNNVV, chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp của quốc gia này. DNNVV đóng góp 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, 60% GDP, hơn 70% thành tựu đổi mới về công nghệ và giải quyết hơn 80% lao động, 75% tổng số việc làm mới được tạo ra, 68% tổng kim ngạch xuất khẩu (Đinh Vũ Minh, 2023). Tuy nhiên, sự phát triển của DNNVV vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có những khó khăn về huy động vốn. Trước tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc nỗ lực thực hiện các biện pháp hoàn thiện thể chế huy động vốn nhằm tạo thuận lợi cho DNNVV, cụ thể như:

Cải cách chính sách tài chính, tín dụng: Nhằm mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn của các DVNVV, Chính phủ Trung Quốc thông qua Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) đã ban hành các chính sách tài chính, ưu đãi tín dụng nhằm khơi thông nguồn vốn. PBC ban hành các hướng dẫn cụ thể về các điều kiện hỗ trợ tín dụng, cơ cấu tín dụng, lãi suất tín dụng ưu đãi và các biện pháp cải thiện hoạt động kinh doanh của DNNVV. Bộ Tài chính ban hành quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh tín dụng và thiết lập các chính sách pháp lý có lợi cho DVNVV. Trung Quốc đã thành lập Công ty TNHH Quỹ bảo lãnh tài chính quốc gia về phát triển DNNVV với số vốn đăng ký 35,75 tỷ NDT. Tính riêng trong năm 2020, khi mà nền kinh tế cả thế giới bị biến động bởi đại dịch Covid -19, Quỹ đã cung cấp các dịch vụ tái bảo lãnh trị giá khoảng 70,91 tỷ NDT cho khoảng 45,6 triệu DNNVV, nhờ đó góp phần tích cực vào nâng cao năng lực của DNNVV Trung Quốc trong việc ứng phó kịp thời với tác động của dịch Covid-19 (Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ, 2022).

Hỗ trợ mở rộng thị trường: Trung Quốc thiết lập hệ thống tổ chức bảo lãnh tín dụng cho DVNVV với hơn 4.000 tổ chức dựa trên nguồn vốn từ ngân sách và xã hội hóa, góp phần hỗ trợ DNNVV trong huy động vốn (Đinh Vũ Minh, 2023). Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tiến hành đẩy mạnh một loạt các cải cách liên quan đến hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cho phép các DNNVV tiếp cận vốn trên thị trường trái phiếu. Đặc biệt, Trung Quốc cho phép DNNVV tiến hành liên kết với một ngân hàng hay một doanh nghiệp có hạng tín nhiệm cao đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu hay còn gọi là trái phiếu liên kết (trái phiếu hợp nhất), chính sách này giúp các DNNVV thuận lợi trong tiếp cận được thị trường vốn.

Ban hành các chính sách ưu đãi thuế: Nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho DNNVV, Chính phủ đã áp dụng các chính sách miễn và giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, góp phần thúc đẩy việc làm, khuyến khích phát triển công nghệ cao và ngành dịch vụ. Ngoài ra, Chính phủ mở rộng chính sách giảm thuế hướng tới đối tượng các công ty đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các DNNVV khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách thuế hỗ trợ DNNVV trong lĩnh vực xuất khẩu, hoàn thuế giá trị gia tăng khuyến khích xuất khẩu.

BÀI HỌC ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Qua tìm hiểu kinh nghiệm của các quốc gia, tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc hỗ trợ vốn phát triển DNNVV, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần phát triển các hình thức hiệp hội, hiệp đoàn, thành lập nhiều tổ chức chuyên trách, cũng như các định chế cho vay hỗ trợ DNNVV trên các lĩnh vực. Qua đó, hỗ trợ các DNNVV vượt qua khó khăn về vốn, tài chính, công nghệ, nhân lực, thị trường... theo hướng khuyến khích DNNVV phát triển, đặc biệt hỗ trợ các DNNVV thuận lợi hơn khi tiếp cận tín dụng ngân hàng, các nguồn vốn ưu đãi… Các chính sách phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán, linh hoạt, có hiệu quả và được thực hiện xuyên suốt trong quá trình phát triển của hệ thống DNNVV, từ giai đoạn khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, tăng trưởng và toàn cầu hóa.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận tài chính cho các DNNVV. Ngân hàng Nhà nước bên cạnh việc điều hành lãi suất theo hướng duy trì lãi suất thấp, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại chủ động tiếp cận DNNVV để tư vấn cho vay các dự án kinh doanh có hiệu quả, mở rộng các loại hình cho vay dựa trên tín chấp và phương án kinh doanh. Khuyến khích các ngân hàng thương mại áp dụng hình thức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để mở rộng cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây. Khuyến khích ngân hàng thương mại có tỷ lệ dư nợ tín dụng cho các DNNVV ở mức cao.

Thứ ba, tiếp tục thiết lập hệ thống các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên nguồn vốn từ ngân sách và xã hội hóa, góp phần hỗ trợ DNNVV trong huy động vốn. Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm hỗ trợ DNNVV tiếp cận thị trường vốn thuận lợi hơn. Cho phép DNNVV được kết nối với một ngân hàng hay một doanh nghiệp uy tín đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu. Xây dựng chính sách cho DNNVV vay trực tiếp từ Chính phủ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong bối cảnh nền kinh tế đầy biến động.

Thứ tư, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho DNNVV, cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách miễn và giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng…) để làm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Anh Tuấn (2024), DNNVV kì vọng cơ hội hội nhập từ chính sách, truy cập từ https://phaply.net.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-ki-vong-co-hoi-hoi-nhap-tu-chinh-sach-a257822.html.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2023, Nxb Thống kê.

3. Bộ Công Thương (2023), Đánh giá kinh nghiệm quốc tế và đề xuất một số bài học về hỗ trợ DNNVV tại Việt Nam, truy cập từ https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/danh-gia-kinh-nghiem-quoc-te-va-de-xuat-mot-so-bai-hoc-ve-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-viet-nam.html

4. Cục Thông tin Khoa học và Công Nghệ (2022), Kinh nghiệm quốc tế về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua đại dịch Covid-19 và phát triển bền vững.

Thanh Nhàn

Tạp chí in số tháng 10/2024
Bạn đang đọc bài viết Chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899