Chống "rút ruột" nhà nước khi cổ phần hóa

03/03/2017, 10:32

TCDN -

Chống thất thoát tài sản Nhà nước khi cổ phần hoá DNNN sẽ được đặc biệt lưu tâm, triển khai. Đây là những chỉ đạo vừa được những người đứng đầu Đảng và Chính phủ đưa ra.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước xác định sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Vụ việc khối tài sản khổng lồ lên tới gần 700 tỷ đồng giá trị cổ phần của Thứ trưởng Bộ Công Thương – bà Hồ Thị Kim Thoa và gia đình nắm giữ tại Cty CP Bóng đèn Điện Quang đã càng làm dấy lên các e ngại của người dân, về việc biến tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân của những người nguyên là lãnh đạo DNNN.

Lỗ hổng và cơ hội

Những thành tựu từ cổ phần hóa hàng chục năm qua, chúng ta đạt được không phải là nhỏ. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế TS Lưu Bích Hồ nhận xét, vẫn còn không ít lỗ hổng tạo cơ hội cho một nhóm người giàu bất thường.

Không phải tự nhiên mà có những DN đã cố tình níu kéo, trì hoãn không muốn bán cổ phần của DN bởi vì họ có thể kiếm lợi được từ những trì hoãn, bưng bít thông tin. Họ quá hiểu rằng, mọi thông tin khi đã minh bạch rồi thì muốn “kiếm chác” khó hơn rất nhiều.

Chính việc mua bán không minh bạch đã làm thất thoát tài sản của Nhà nước, dẫn đến một số người nắm được thông tin, làm chủ thông tin hoàn toàn có thể thao túng để mua với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thực của thị trường.

Một vấn đề khác, đó là tài sản lớn nhất của nhiều DNNN chính là đất đai, nhưng khi định giá lại bị nhập nhằng giữa việc đất được Nhà nước giao trước đây với giá rất thấp hoặc cho thuê dài hạn với giá nhà nước, không được đem ra định giá công khai theo giá thị trường.

Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, việc thả cho DN thua lỗ trước khi cổ phần hóa cũng là một chiêu để “hạ giá” tài sản nhà nước trong DNNN. Việc một số DN trước khi cổ phần hóa thua lỗ triền miên và sau khi cổ phần hóa cũng với những lãnh đạo cũ lại biến thành DN có lời cao như Cty CP Bóng đèn Điện Quang là một hiện tượng.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020 diễn ra hồi cuối năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói thẳng, “tôi có nghe rằng, có DN rất lớn vừa qua khi tiến hành định giá và Kiểm toán Nhà nước xác định lại chênh lệch tới 10.000 tỷ đồng”.

Dẹp “sang tay nội bộ”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành trên khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại văn bản số 3308-CV/VPTW ngày 16/2/2017 về việc phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra, kết luận những nội dung các bài báo liên quan đến Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để bổ sung, sửa đổi hoặc kiến nghị bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật.

Đồng thời khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá DNNN, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.

Thực tế, theo báo cáo tổng kết về công tác cổ phần hoá DNNN tại cuộc họp Chính phủ cuối năm 2016, sau gần 20 năm triển khai, số vốn cổ phần hóa mới được 8%, còn 92% vẫn là vốn Nhà nước.

Để bịt lỗ hổng trong quy trình cổ phần hóa DNNN, hạn chế thất thoát, các chuyên gia đều cho rằng, yêu cầu đầu tiên là cần tăng tính minh bạch thông qua việc công khai quá trình mua bán cổ phần, đưa ra đấu thầu công khai thay vì “sang tay nội bộ”. Bên cạnh đó, cơ quan tư vấn, hội đồng giám sát quá trình định giá DNNN và cổ phần hóa cần có sự tham gia của các cơ quan tổ chức tư vấn độc lập, chuyên gia độc lập để đảm bảo tính minh bạch. Đồng thời, các cơ quan thanh tra và Kiểm toán Nhà nước cũng cần vào cuộc để giám sát quá trình cổ phần hóa.

Theo các chuyên gia, việc rà soát và hoàn thiện các chính sách liên quan đến cổ phần hoá DNNN thời gian tới chắc chắn sẽ được chú trọng hướng tới quản lý chặt để chống thất thoát tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi, cùng với vụ việc bà Hồ Thị Kim Thoa được xem xét, nhiều DNNN khác đã được cổ phần hoá mà có nghi vấn hoặc chủ DNNN sau cổ phần hoá tự nhiên giàu lên nhanh chóng liệu có bị điều tra trở lại để xử lý nghiêm?

PGS.TS Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, ĐBQH Khóa XIII:Cần có Luật cổ phần hóa

Hiện có một kẽ hở lớn trong hệ thống luật pháp của nước ta là cổ phần hóa nhiều nhưng vẫn chưa có luật về cổ phần hóa. Nhiều doanh nghiệp khi cổ phần hóa nhưng không công bố ai là cổ đông cho thấy sơ hở lớn trong công khai minh bạch, nhiều người trục lợi và mua cổ phần ưu đãi để giàu lên từ đó. Do vậy cần phải có luật cổ phần hóa để quy định chặt chẽ, công khai minh bạch từng bước về giá trị, về người mua.

Qua sự việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng cho thấy, vai trò quan trọng của người dân, truyền thông, báo chí trong việc giám sát chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

TS VŨ ĐÌNH ÁNH – Chuyên gia kinh tế:Bỏ quên yếu tố thị trường

Bản chất cổ phần hóa là rút vốn nhà nước ở những lĩnh vực nhà nước không cần tiếp tục nắm giữ, thay vào đó là huy động vốn đầu tư của toàn xã hội vào sản xuất kinh doanh. Nhà nước không cấm các cá nhân mua cổ phần DN, trở thành cổ đông của Cty. Tuy nhiên, trong quá trình định giá, bên cạnh yếu kém về chuyên môn của đơn vị định giá, cơ quan định giá thì sai lầm lớn nhất trong định giá tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa chính là bỏ quên yếu tố thị trường cung và cầu.

Vì thể để tăng tài sản thu về từ việc thoái vốn, cần phải lựa chọn thời điểm bán cổ phần khi thị trường có nhu cầu lớn.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Bạn đang đọc bài viết Chống "rút ruột" nhà nước khi cổ phần hóa tại chuyên mục Cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận