Chưa trình Quốc hội miễn 1.400 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác nước
TCDN - Tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về việc chưa trình Quốc hội xem xét miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đề xuất miễn 1.400 tỷ đồng tiền khai thác tài nguyên nước
Chính phủ dự kiến trình Quốc hội miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 4.000 doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh có thêm 1.400 tỷ đồng để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thực chất tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là loại tiền gián thu, người sử dụng sau cùng phải trả tiền, theo đó toàn bộ tổ chức, cá nhân sinh sống và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là đối tượng phải chi trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Mặt khác, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, bản chất là khoản thu gián tiếp. Theo quy định thì số tiền này được tính vào giá thành sản xuất của các nhà máy điện, nhà máy nước và được hạch toán vào giá bán điện của các nhà máy điện, giá cung cấp nước sạch của các nhà máy nước. Thực chất các nhà máy điện, nhà máy nước chỉ là người thu hộ từ những người sử dụng điện, sử dụng nước để nộp cho nhà nước.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang khai thác tài nguyên nước lại chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vượt qua đại dịch Covid-19. Bởi theo Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thì kể từ 1/9/2017, hoạt động khai thác tài nguyên nước, ngoài phải nộp các loại thuế, phí theo các luật thuế hiện hành còn phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Số liệu của Bộ Tài chính, sau gần 3 năm thực hiện Nghị định 82/2017/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã phê duyệt khoảng 4.000 quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền đã vào nộp ngân sách nhà nước (tính đến tháng 6/2020) ước vào khoảng 10.600 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm đã nộp vào ngân sách nhà nước nước 600 tỷ đồng và cả năm 2020 dự kiến sẽ nộp vào ngân sách nhà nước 1.400 tỷ đồng.
Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, có 4.000 doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh cá thể sẽ được miễn khoản tiền này từ 150.000 đồng như Công ty TNHH Thái Việt Agri Group (Quảng Nam) đến 116,334 tỷ đồng như trường hợp của Công ty Thủy điện Sơn La.
Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước dự kiến sẽ miễn năm 2020 ước vào khoảng 1.400 tỷ đồng cũng đồng nghĩa với ngân sách nhà nước năm nay sẽ giảm thu tương ứng, trong đó, địa phương bị giảm thu ít nhất là Thừa Thiên - Huế (42 triệu đồng) và nhiều nhất là Sơn La (150 tỷ đồng).
Chưa đủ căn cứ
Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất kinh doanh trong năm 2020.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, năm 2020 là năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã có các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, việc trình Quốc hội ban hành chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 chưa đảm bảo có đầy đủ căn cứ để ban hành chính sách. Đối tượng hỗ trợ đã có phần trùng lặp với các chính sách trước đó của Đảng và Nhà nước.
Để bảo đảm có căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể về số thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tình hình sản xuất kinh doanh của từng nhóm đối tượng, theo đó phân định các đối tượng thực sự khó khăn cần được hỗ trợ nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ của Nhà nước đúng đối tượng, không dàn trải và tránh trục lợi chính sách.
Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và cho rằng việc xem xét miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 cần hết sức cân nhắc. Bởi các đối tượng của chính sách này không chịu tác động nhiều từ đại dịch Covid-19, hơn nữa Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các đối tượng như miễn, giảm thuế, các gói hỗ trợ…
Trong khi đó, nếu miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, trong bối cảnh thu ngân sách của năm 2020 gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt các tại các tỉnh có nguồn thu ngân sách từ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu...đều là các tỉnh khó khăn, nay miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ càng ảnh hưởng đến các địa phương này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong thời điểm hiện nay chưa xem xét chính sách này và đề nghị Chính phủ rút lại hồ sơ dự thảo Nghị quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc, tính toán ban hành chính sách cho phù hợp và cho rằng trong bối cảnh hiện nay chưa nên ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về việc chưa trình Quốc hội xem xét miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899