Chuyển đổi số: Doanh nghiệp vượt qua thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh

16/11/2023, 14:22
báo nói -

TCDN - Giải pháp được xem là căn cơ nhất lúc này giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức chuyển đổi số chính là sự sát cánh của Nhà nước và tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo nắm bắt kịp thời các công nghệ mới, chủ động đầu tư cải tiến công nghệ và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới.

3-1

Nguồn lực yếu, thiếu chiến lược

Kết quả khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy: đa phần doanh nghiệp đã nhận thức và ý thức được việc cần thiết phải chuyển đổi số, nhưng thực hiện chuyển đổi số lại chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là được chỉ ra là khó khăn về nguồn lực tài chính, nhân sự, chiến lược…

Các chuyên gia đã chỉ ra phần lớn doanh nghiệp ở nước ta có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm tới 97%) nên trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Cùng với đó là những khó khăn về thị trường; môi trường pháp lý, môi trường cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin; chi phí dịch vụ, kho vận cao; tâm lý, tập quán và thói quen tiêu dùng của nhân dân và khả năng của khách hàng; bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin…

Theo bà Bùi Thị Hải Yến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hanel, chuyển đổi số được nhắc tới rất nhiều nhưng đến thời điểm này đại đa số doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay vào cuộc. Có hiện tượng khá phổ biến là không ít doanh nghiệp nhận thấy có những ứng dụng trước kia chưa làm như làm việc trực tuyến, sử dụng hệ thống phần mềm tổng hợp…, thì nay thử áp dụng. Kết quả là có doanh nghiệp thấy hiệu quả, hài lòng, nhưng cũng có doanh nghiệp thấy không hiệu quả và ngừng lại.

Đáng chú ý, theo Báo cáo thường niên năm 2022 của Cục Phát triển doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước đã ngừng áp dụng chuyển đổi số lên tới gần 50%. Ngoài lý do giải pháp chưa phù hợp hay không còn nhu cầu, còn một lý do đáng chú ý khác cho thực trạng này là các doanh nghiệp chưa xác định được mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số cả về lượng và chất. Điều này thể hiện rõ khi chỉ có một phần nhỏ doanh nghiệp được hỏi đã hoàn thành xác định mục tiêu chuyển đổi số và đã từng bước xây dựng kế hoạch trong ngắn, dài hạn.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy chưa đến 40% doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ để tiếp nhận các tư vấn và giải pháp. Trong khi đó, có đến gần 45% doanh nghiệp được hỏi có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

Thậm chí có tới 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số. Trên thực tế, việc thiếu ngân sách dành cho chuyển đổi số cũng là thách thức phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Không ít doanh nghiệp đang nhầm lẫn giữa tự động hóa (kết quả của ứng dụng công nghệ thông tin) với thông minh hóa (kết quả ứng dụng công nghệ số). Nhiều sản phẩm được doanh nghiệp sử dụng không làm thay đổi phương thức sản xuất của doanh nghiệp mà chỉ cải thiện thêm cho phương thức sản xuất hiện có”, bà Yến nhận định.

Trong khi đó, bà Đinh Thị Thuý, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần MISA, lại cho rằng doanh nghiệp đang sử dụng các giải pháp rời rạc, mỗi bộ phận, phòng ban dùng một giải pháp khác nhau nên không kết nối được với nhau. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp muốn thay thế một ứng dụng giải pháp mới thì khó có thể kế thừa dữ liệu lịch sử rất quan trọng ở ứng dụng cũ. Ngoài ra là vấn đề chi phí cao. Cuối cùng là doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn trong tình trạng thiếu tài sản đảm bảo, khó tiếp cận vốn vay.

Quá trình tự thân

Bà Yến cho rằng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số, trước tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bản chất thực sự của chuyển đổi số. Chỉ khi hiểu đúng thì mới làm đúng. Đặc biệt, giúp doanh nghiệp hiểu rõ chuyển đổi số là quá trình tự thân, doanh nghiệp phải tự làm.

“Các chuyên gia công nghệ số chỉ cung cấp phương pháp và công cụ thực hiện, còn lại là doanh nghiệp tự lựa chọn con đường chuyển đổi, hướng tới thông minh hóa sản xuất kinh doanh và quản lý doanh nghiệp của mình. Đây là quá trình dài và không có điểm dừng, doanh nghiệp chuyển dần từ thấp lên cao tùy thuộc vào mức độ trưởng thành số của mình”, bà Yến nhấn mạnh.

Đồng thời, bà Yến đề xuất tham vấn cho các doanh nghiệp lựa chọn một số công cụ và dịch vụ số (như nền tảng số, giải pháp kho thông minh, trợ lý số…) có thể giúp họ làm quen với phương thức sản xuất kinh doanh mới và kiểm chứng được ngay hiệu quả thông qua việc so sánh với cách làm hiện thời.

Thứ hai, Nhà nước cần sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, khuyến khích và hỗ trợ xây dựng một số mô hình mẫu về doanh nghiệp chuyển đổi số, ưu tiên một số lĩnh vực mà Nhà nước đã chọn trong chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia, như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch và logistics...

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thôn nhận định, để tiến hành chuyển đổi số hiệu quả, trong nền kinh tế số, doanh nghiệp cần tư duy lại mô hình kinh doanh. Đó là mô hình kinh doanh tập trung vào khách hàng; cung cấp dịch vụ và trải nghiệm tăng cường nhờ dữ liệu; xây dựng nền tảng và hệ sinh thái; thúc đẩy kinh tế chia sẻ, cho thuê và đi thuê; đặc biệt tự động hoá và dữ liệu sẽ dẫn dắt phát triển. Tư duy mới này khác hẳn với mô hình kinh doanh truyền thống được dẫn dắt bởi yếu tố chính là lao động; tập trung vào sản phẩm, phát triển và bán sản phẩm; thúc đẩy sở hữu, mua đứt, bán đoạn.

"Tương tự, khác với tư duy cạnh tranh trước đây theo kiểu “cá lớn” nuốt “cá bé” thì kinh tế số, tư duy cạnh tranh theo hướng “cá nhanh” nuốt “cá chậm”, vừa thúc đẩy hợp tác vừa cạnh tranh để cùng phát triển, xoá bỏ trung gian và trung gian hoá", ông Đường nói thêm.

Với hơn 71% dân số Việt Nam thường xuyên truy cập Internet, cách tiếp cận khách hàng hiệu quả nhất đối với các doanh nghiệp là qua môi trường số. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chuyển đổi số thông minh, đặt bài toán chuyển đổi số đúng để đảm bảo hiệu quả và thành công. Sử dụng các Nền tảng số phổ biến sẽ là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Tuy nhiên, để vượt qua khủng hoảng, các doanh nghiệp cần xác định đúng "đầu bài" chuyển đổi số phù hợp mục tiêu sinh tồn, phục hồi hay phát triển.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông Đường nhấn mạnh, chuyển đổi số phải đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn; Tăng hiệu suất làm việc của nhân viên và tinh gọn hơn và giảm chi phí để tăng lợi nhuận thông qua cách thức gồm thuê dịch vụ nền tảng số, sử dụng công nghệ đám mây và tự động hoá.

Bên cạnh đó, ông Đường cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng chuyển đổi số để khắc phục các hạn chế bằng việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc như thuê dịch vụ và quy trình chuẩn. Với các doanh nghiệp lớn cần chiến lược chuyển đổi số gồm 6 trụ cột chính bao gồm: trải nghiệm số cho khách hàng; Chiến lược số; Hạ tầng và công nghệ số; Vận hành số; Văn hóa số; Dữ liệu và tài sản thông tin.

Ông Đường nhấn mạnh, chuyển đổi số thông minh để tối ưu hoá nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. "Nếu tất cả đồng lòng tiến về phía trước, chuyển đổi số chắc chắn thành công".

Trà My

Tạp chí in tháng 11/2023
Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số: Doanh nghiệp vượt qua thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận