Chuyên gia đề xuất tăng cường quản lý thuế giúp bình ổn thị trường vàng

17/05/2024, 17:09
báo nói -

TCDN - Tại buổi tọa đàm “Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 17/5, các chuyên gia đề nghị xóa bỏ độc quyền vàng miếng, cho phép nhập khẩu vàng và quản lý bằng chính sách thuế.

Lãi suất thấp gây nên “sóng vàng”?

Tại phiên thảo luận chuyên đề "Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định", đại diện VEPR cho biết, giá vàng thế giới liên tục thiết lập kỷ lục mới sau đại dịch COVID-19. Kể từ sau đại dịch COVID-19, giá vàng thế giới liên tục tăng cao và duy trì quanh ngưỡng 2.000 USD/ounce từ cuối năm 2023. Đến tháng 4/2024, giá vàng thế giới đã phá vỡ kỷ lục, vọt lên gần 2.400 USD/ounce, cao hơn rất nhiều so với mức giá trung bình năm 2019 - giai đoạn trước đại dịch.

Giá vàng thế giới tăng cao do tác động kép từ chính sách tiền tệ và bất ổn kinh tế - địa chính trị. Bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị gia tăng cũng góp phần củng cố vị thế "vùng trú ẩn an toàn" của vàng, khiến nhà đầu tư tìm kiếm nơi cất giữ tài sản an toàn và sinh lời.

Các chuyên gia trao đổi tại phiên thảo luận Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định.

Các chuyên gia trao đổi tại phiên thảo luận Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định.

Trong nước, trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá vàng đã liên tục lập đỉnh mới, giá vàng SJC đã có lúc đạt đỉnh tháng 4 là 85 triệu đồng/lượng và sang tháng 5 đã vượt 90 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của thị trường vàng Việt Nam.

Biến động giá vàng xảy ra có những khi liên tiếp nhau, thậm chí có những ngày giá vàng leo dốc một cách thẳng đứng, biên độ thay đổi giá lớn qua mỗi lần tăng giá. Có những lúc, giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới lên tới 20 triệu đồng/lượng. Trong tháng 4, giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh mới, đẩy giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên cùng chiều với giá vàng thế giới. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 20,75%.

Theo VEPR, lãi suất thấp như trong giai đoạn 2021- đầu 2022 hay cuối 2023 đến nay là một môi trường lý tưởng để tạo sóng với bất kỳ một loại tài sản nào. Bước sang năm 2024, tạo sóng vàng còn thuận lợi hơn nhờ giá vàng thế giới tăng do bất ổn địa chính trị và kênh chứng khoán, bất động sản không nóng để hút tiền như năm 2021-2022. Do đó tạo nên sóng vàng thời gian vừa qua.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cho rằng cần quan tâm tại sao giá vàng trong nước tăng cao hơn nhiều giá vàng thế giới, có lúc chênh tới 20 triệu đồng/lượng.

Chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng trên, theo ông Cường do thị trường vàng của Việt Nam tách biệt với thế giới. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, không nhập khẩu vàng.

Cùng với đó, do nhà nước bảo hộ nhãn hiệu vàng SJC nên người dân đổ xô mua vàng để đầu tư, tích trữ khiến cho giá vàng SJC cao hơn giá vàng khác. Trong khi đó, hiện nay tiền gửi tiết kiệm lãi suất thấp, cơ hội đầu tư không có nên người dân chuyển sang mua vàng vì thấy "mua nay mai tăng".

Bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, nhập khẩu vàng

Theo ông Cường, vàng hiện đang là loại tài sản để cất trữ, đầu tư nên để cho thị trường điều tiết, có sự quản lý của nhà nước.

Nói rõ thêm về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa dẫn chứng, Trung Quốc, Ấn Độ quản lý vàng tốt hơn Việt Nam. Họ có trung tâm lưu ký vàng. Nhà nước cấp phép cho một số công ty nhập khẩu vàng…

Vì vậy, theo ông Nghĩa, chúng ta nên lựa chọn công ty kinh doanh vàng lớn có thể nhập khẩu, xuất khẩu vàng và cho phép họ nhập khẩu bình thường. Nhà nước sẽ quản lý thị trường xuất nhập khẩu vàng bằng chính sách thuế. Trong nước quản lý kinh doanh vàng bằng hóa đơn điện tử khi mua bán vàng.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng đề xuất bỏ sản xuất vàng miếng và độc quyền vàng, trả lại thương hiệu vàng miếng cho SJC. Như vậy thị trường vàng sẽ trở lại bình thường, thương hiệu SJC cũng giống như các thương hiệu khác và giá sẽ không còn chênh lệch vài triệu đồng như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital, việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC là cần thiết. Đến thời điểm này cần phải có sàn giao dịch vàng vật chất (có kho ngoại quan, có trung tâm lưu ký giao dịch…)

Ông Tuấn cho rằng, nếu coi vàng SJC là sản phẩm tiền đặc biệt thì trong ngắn hạn Ngân hàng Trung ương phải kiểm soát nguồn cung vàng. Tuy nhiên, về dài hạn cần phải nhìn nhận vàng miếng như kênh đầu tư để quản lý bằng thuế, phí. Thị trường vàng trang sức giải quyết thông qua thuế nhập khẩu, thuế VAT.

Các chuyên gia của VEPR cho rằng, giá vàng trong nước và chênh lệch giá vàng không hoàn toàn phản ánh cân đối cung và cầu, việc “trị" chênh lệch giá vàng không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá. Hành động này không chỉ đi chệch mục tiêu mà còn lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết.

Theo VEPR, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì. Ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia đề xuất tăng cường quản lý thuế giúp bình ổn thị trường vàng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giá vàng “nhảy múa”: Bộ Công an kiến nghị nhiều giải pháp
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, biến động giá vàng vô cùng phức tạp. Vì thế, Bộ Công an đã tập trung nắm tình hình, tham mưu Chính phủ nhiều vấn đề, kiến nghị các giải pháp liên quan an ninh tiền tệ, thị trường vàng.