Chuyên gia kinh tế: Cần cơ cấu lại các khoản chi, hạn chế tác động xấu từ Covid-19

20/03/2020, 08:54

TCDN - Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 2 ước đạt 95,1 nghìn tỷ đồng, luỹ kế thu 2 tháng đầu năm đạt 276,7 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% dự toán.

Ông Bùi Đức Thụ.

Ông Bùi Đức Thụ.

Trao đổi với Đại Đoàn kết, chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ cho rằng, doanh nghiệp phát triển thì thu ngân sách nhà nước mới nhiều. Đây cũng là điều kiện tiền đề để tăng chi, phục vụ phát triển. Dịch Covid-19 khiến cho nền kinh tế chậm lại, khó khăn hơn. Tuy nhiên quy mô giảm thu bao nhiêu, mức độ tác động thế nào, còn phụ thuộc vào thời hạn dịch diễn ra. Trong khi nguồn thu hạn chế thì lại phải chi nhiều để “tiếp sức” cho những ngành gặp khó khăn; an sinh xã hội nhằm chống đỡ với những cú sốc từ bên ngoài do tác động xấu của Covid-19.

Từ đó, theo ông Bùi Đức Thụ, cần tái cơ cấu mạnh mẽ đối với thu chi ngân sách. Trong đó cần cắt giảm chi thường xuyên, các khoản chưa thực sự cần thiết và cấp bách như: mua ô tô, đi công tác nước ngoài gây tốn kém ngân sách. Việc cử đoàn đi công tác nước ngoài chỉ thực sự cần thiết và cho phép của Thủ tướng Chính phủ. “Trong năm nay, việc đầu tư xây dựng trụ sở mới dứt khoát phải tiết giảm, và cần có kỷ luật tài chính nghiêm hơn nữa”- theo ông Thụ.

Ông Thụ cũng cho rằng, chi cho bộ máy tuy có giảm trong những năm gần đây, nhưng hiện vẫn chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu ngân sách. “Tôi xin lưu ý rằng năm 2021 chúng ta sẽ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương về cải cách tiền lương. Theo đó sẽ tăng lương từ 1/7/2021, tăng lương trong điều kiện bộ máy vẫn duy trì thế này là nguy cơ dẫn đến tăng tỷ trọng chi thường xuyên. Chi thường xuyên tăng lên, còn thu ngân sách giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất dễ dẫn đến tăng bội chi, làm tăng nợ công. Vì vậy cần đẩy mạnh việc cải cách bộ máy hành chính để giảm áp lực chi thường xuyên.

Hiện nay việc chi cho bộ máy là vấn đề rất nóng bỏng, từ  chi cho hội nghị, hội thảo, lễ hội... Bây giờ cần kiên quyết giảm chi cho bộ máy để tiết kiệm nguồn lực, dành chi cho đầu tư phát triển” - ông Thụ nêu quan điểm đồng thời cho rằng, trong khi đó mấy tháng đầu năm nay tốc độ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, nguy cơ chi không hết trong điều kiện ngân sách thâm hụt. Nghịch lý “có tiền không tiêu được” là điều đáng buồn.

Nó không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách mà còn tạo ra những nút thắt trong nền kinh tế, nguồn lực đầu tư công không khơi thông được làm giảm toàn bộ sự thu hút đầu tư với các thành phần kinh tế khác, rồi làm ách tắc, cản trở tốc độ tăng trưởng GDP.

Do vậy hơn lúc nào hết, không chỉ tiết kiệm ngân sách, tái cơ cấu mạnh mà nhiệm vụ chi đầu tư công phải được coi như là nhiệm vụ chính trị từ Trung ương cho tới địa phương. Bất cứ cá nhân, tổ chức nào không thực hiện kế hoạch đầu tư công có thể bị coi như không hoàn thành nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

“Kỷ luật công vụ, kỷ luật tài chính phải nghiêm minh mới kịp thời tháo gỡ được những khó khăn, chấn động do Covid-19 đem lại”- ông Thụ nói.

“Tuy nhiên nếu như ở đâu đó quản lý không tốt thì vẫn có thể dẫn đến tình trạng “vung tay quá trán”, chi quá đà, làm ảnh hưởng đến hiệu quả, quản lý sử dụng ngân sách. Tôi cho rằng từng cấp, từng ngành, từng chi bộ thực hiện tiết kiệm, không xa hoa lãng phí, phô trương, hình thức. Trường hợp nào chi vượt chế độ, định mức, tiêu chuẩn cần truy thu quyết toán và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu. Có nghĩa là rất cần tăng cường kỷ luật tài chính, công khai, minh bạch để kịp thời phát hiện và ngăn chặn được các vi phạm, giúp cho việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước ngày càng tích cực, hiệu quả hơn”- ông Bùi Đức Thụ nhấn mạnh.   

Theo Đại Đoàn Kết
Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia kinh tế: Cần cơ cấu lại các khoản chi, hạn chế tác động xấu từ Covid-19 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

ADB chi 6,5 tỷ USD để ứng phó đại dịch Covid-19
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố gói hỗ trợ ban đầu trị giá 6,5 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu trước mắt của các quốc gia thành viên đang phát triển khi ứng phó với đại dịch Covid-19.