Phó thủ tướng chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế của "siêu" Ủy ban
TCDN - Dù doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ đóng góp vào ngân sách của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc UBQLVNN đều tăng nhưng không ít những hạn chế, tồn tại đã được bộc lộ sau hơn 2 năm hoạt động.
Ngày 19/3, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã có buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban QLVNN) và các bộ, ngành liên quan về tình hình triển khai công việc hiện nay, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.
Lợi nhuận 19 doanh nghiệp thuộc Ủy ban tăng 100 nghìn tỷ
Theo Chủ tịch Ủy ban QLVNN Nguyễn Hoàng Anh, sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban phải tiếp nhận, xử lý 259 công việc mà các bộ đang xử lý dở dang. Về cơ bản, đây là các công việc phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều thời kỳ, nhiều vụ việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, nhiều việc tồn đọng do trước đây các bộ xử lý chậm trễ...
Do khối lượng công việc lớn, lại có nhiều vướng mắc, nguồn lực ban đầu có hạn, nên Ủy ban đã phân loại công việc theo mức độ cần thiết, cấp bách để ưu tiên xử lý nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn của DN. Đến nay đã giải quyết 201/259 công việc.
Ủy ban đã báo cáo Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đề xuất giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban như tình hình các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Đánh giá nỗ lực của Ủy ban trong việc điều phối hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra, nhất là về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động tăng lên, vốn Nhà nước được bảo toàn và phát triển. Cụ thể, doanh thu đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng (tăng 6,4% so cùng kỳ), lợi nhuận tăng gần 100.000 tỷ đồng (tăng 17,6% so với kế hoạch), nộp ngân sách đạt trên 221.000 tỷ đồng (tăng 17,6% so với cùng kỳ).
Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như viễn thông, điện, than, xăng dầu, khí đốt, khai khoáng, hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ, hóa chất cơ bản, kinh doanh lương thực, phân bón đã thể hiện được vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế.
Ủy ban còn lúng túng trong xử lý vướng mắc
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà Ủy ban cần sớm khắc phục.
Cụ thể, một số công việc xử lý còn chậm, trong đó có việc xem xét, quyết định theo thẩm quyền đối với đề nghị của tập đoàn, tổng công ty. Công tác cán bộ, việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo tại DN được bàn giao từ các bộ về Ủy ban cần kịp thời hơn nữa. Công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan chưa chặt chẽ.
Việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động còn lúng túng, còn có tổng công ty Nhà nước (Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam) tiếp tục còn thua lỗ...
Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật có liên quan còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ làm phát sinh vướng mắc; các bộ, ngành, cơ quan còn chưa chủ động phối hợp với Ủy ban trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
“Các tồn tại, khó khăn vướng mắc nêu trên cần được Ủy ban và các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, rút kinh nghiệm tập trung, khắc phục để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ủy ban”, Phó thủ tướng nêu rõ.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban cần sát cánh cùng các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp khả thi trình cấp có thẩm quyền để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Tập trung đánh giá khó khăn do tác động của động của dịch COVID-19 đối với hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty. Đặc biệt là ngành hàng không, dầu khí, đường sắt... Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp trực tuyến trong tháng 3”, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải tuyển chọn cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, phẩm chất, chuyên môn giỏi để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới; kiện toàn đầy đủ các chức danh chủ chốt của các tập đoàn, tổng công ty hiện còn thiếu.
Cùng với đó phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc triển khai các đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã được phê duyệt. Khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Ủy ban cũng được giao phải hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phân hóa các DN quy mô lớn như các Tập đoàn: Bưu chính viễn thông Việt Nam, Công nghiệp hóa chất, Công nghiệp than khoáng sản; các Tổng công ty: Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 2.
Phối họp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, chủ động tháo gỡ đối với 4 dự án gặp khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo, giải quyết.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899