TS Nguyễn Đình Cung - Cha đẻ 'Siêu ủy ban' bị mắc kẹt nói gì?

26/02/2020, 16:59

TCDN - Trước đây, Bộ KH&ĐT trình mô hình Ủy ban quản lý vốn là tổ chức đầu tư chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước. Bây giờ phải quay lại như thế, còn không làm được thì nên dẹp bỏ.

TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương

TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH&ĐT), một trong những thành viên ban soạn thảo đề án thành lập UBQLV.  

Đường sắt không nên xin quay về bộ 

Đánh giá trường hợp của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ông Cung cho rằng, chủ trương trước đây khi chuyển về UBQLV, công ty sẽ tách phần công ích ra khỏi phần kinh doanh. Phần công ích này nên mang ra đấu thầu chứ không nhất thiết phải quay về trực thuộc Bộ GTVT quản lý. Bởi Nhà nước vẫn có cơ chế và cho đấu thầu phần công ích này chứ Nhà nước không chỉ giao nhiệm vụ.

“Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt không nên xin chủ trương quay về Bộ GTVT. Tại sao đường bộ, đường thủy cũng của nhà nước mà tư nhân làm được, tư nhân chạy được? Ngành đường sắt phải suy nghĩ lại, tư duy chạy tàu và  khai thác như thế nào để tạo ra nhiều tiền nhất. Ở đây là vấn đề ý tưởng kinh doanh chứ không phải chỉ là câu chuyện chạy tàu. Đường sắt phải thay đổi để cạnh tranh được với đường bộ và hàng không”, ông Cung đánh giá.

Vị chuyên gia này đặt vấn đề, trên trục đường Bắc - Nam rất nhiều hàng hóa được ô tô tải vận chuyển trên đường bộ, tại sao đường sắt không làm được ? Trong khi đó, vận tải hàng hóa là ưu thế của đường sắt. Vậy ở đây có vấn đề gì mà để đường bộ chiếm lấy ưu thế? 

Ủy ban không thể can thiệp vào từng dự án 

Từ vướng mắc trong trường hợp của Tổng Cty đường sắt Việt Nam, ông Cung chỉ ra thực trạng, thời gian qua, UBQLV đã không làm đúng bản chất của mình lúc mới thành lập. Đó là sự dùng dằng trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Đây mới là mấu chốt khiến việc thiết kế UBQLV không đúng với bản chất.

Mở rộng ra, các doanh nghiệp khác cũng phải quay lại mục tiêu ban đầu chứ đừng xin ý kiến này khác. Doanh nghiệp thì phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Lẽ đâu UBQLV đi phát công văn xin ý kiến các bộ, thành ra UBQLV là cấp dưới của các bộ? 

“Vai trò của UBQLV không phải dự án đầu tư mà là giao mục tiêu (như tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh…) để doanh nghiệp thực hiện, chứ không phải đi giao từng dự án. UBQLV phải làm như thế, còn đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào là quyết định của doanh nghiệp. UBQLV không phải nơi thẩm định dự án đầu tư của doanh nghiệp. Dự án chỉ là công cụ đạt được mục tiêu mà thôi”, ông Cung kiến nghị.

Vị chuyên gia được xem như “cha đẻ” của đề án thành lập UBQLV cho rằng, nếu cơ quan này cứ can thiệp từng dự án thì có hàng nghìn người cũng không làm được. 

“Muốn có được người giỏi  vào UBQLV thì phải thực hiện cơ chế tiền lương mới, là tiền lương theo thị trường lao động quốc tế mới tuyển được CEO giỏi, chứ đừng đưa  mấy ông công chức vào UBQLV. Ghế tại cơ quan này không phải ghế thử quyền lực”, ông Cung đề nghị.

Theo Tiền phong

Bạn đang đọc bài viết TS Nguyễn Đình Cung - Cha đẻ 'Siêu ủy ban' bị mắc kẹt nói gì? tại chuyên mục Ý kiến của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thoái vốn nhà nước tại ACV: “Siêu ủy ban” nói chưa phù hợp
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa than khó thực hiện thoái vốn do một số quy định pháp luật chưa rõ. Với trường hợp  thoái vốn ACV, cơ quan này cho rằng “chưa phù hợp”, dù trường đó Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình rút dần vốn nhà nước.
Xem xét đưa Tổng công ty Đường sắt trở lại Bộ GTVT
Sau khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hoạt động của VNR gặp nhiều khó khăn khi không tiếp tục được giao dự toán thu chi ngân sách nhà nước để thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.