Cổ phần hóa, thoái vốn chậm, thu về hơn 2.100 tỷ đồng

02/07/2021, 13:52

TCDN - Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 thoái vốn nhà nước đạt giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng bằng số thu quý I năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với tổng giá trị doanh nghiệp là 252 tỷ đồng, trong đó phần vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty là 151 tỷ đồng.

Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 6/2021, đã có 183 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.943 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.944 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, trong 183 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa (128 doanh nghiệp) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đạt 30% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 6 tháng còn lại năm 2021 là 89 doanh nghiệp (trong đó còn 88 doanh nghiệp chưa công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa).

thoai-von-quy-2

Về tình hình thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020: thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách, trong đó bao gồm số thoái vốn của SCIC tại 136 doanh nghiệp (giá vốn 6.758 tỷ đồng, thu về 37.185 tỷ đồng).

Trong 6 tháng đầu năm 2021, thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước: đã thoái 3 đơn vị thuộc quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng.

Thoái vốn của tập đoàn, Tổng công ty: thoái vốn tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, NXB Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu của 3 doanh nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là CTCP Du lịch và Xúc tiến đầu tư, CTCP XNK Vật tư thiết bị ngành in và CTCP Phim Giải Phóng với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 218 tỷ đồng.

Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ là 276 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2021, khi Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển nhượng vốn nhà nước được Chính phủ ban hành thì trước khi quyết toán, Quỹ sẽ phải hoàn trả số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp địa phương về ngân sác nhà nước địa phương số tiền dự kiến là 4.600 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn thu Quỹ phải cân đối trong năm 2021 là 44.600 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục Tài chính doanh nghiệp, cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành đầy đủ, tuy nhiên tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.

Hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN đã được hoàn thiện theo hướng chặt chẽ hơn, tăng cường công khai minh bạch trong quá trình cổ phần hóa, tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, tách quá trình xử lý liên quan đến đất đai ra khỏi quá trình cổ phần hóa (các doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi công bố giá trị doanh nghiệp), trong khi các DNNN chưa chuẩn bị nguồn lực để áp dụng dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện.

Bên cạnh đó, các DNNN chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật quản lý tài sản công về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý, đa số DNNN chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.

Nhận thức của Lãnh đạo các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn và công tác thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán còn chưa đúng, chưa đầy đủ…

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Cổ phần hóa, thoái vốn chậm, thu về hơn 2.100 tỷ đồng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Cổ phần hóa: Đang sắp xếp lại để doanh nghiệp mạnh hơn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiêu chí sắp xếp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025, với tinh thần để các doanh nghiệp mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn.