Cổ phần hóa vì sao chậm? Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam "khó" do nhiều đất

09/08/2017, 09:25

TCDN - Mặc dù đã lùi tiến độ cổ phần hóa (CPH) và IPO (bán lần đầu ra công chúng) tới quý III/2017, song xem ra đến hết năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cũng khó có thể hoàn tất quá trình này.

Do sở hữu quỹ đất lớn nên việc xác định giá trị DN của VRG gặp nhiều khó khăn. Ảnh: ST.

Khó xác định giá trị DN

Đề án tái cơ cấu VRG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 5/1/2013. Việc thực hiện CPH Công ty mẹ - Tập đoàn với 20 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) và 4 đơn vị sự nghiệp được triển khai theo văn bản số 2296/TTg-ĐMDN ngày 16/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp của Tập đoàn.

Theo lộ trình, phương án CPH của VRG được phê duyệt trong thời gian từ quý IV/2016 đến quý I/2017, tổ chức thực hiện phương án CPH vào quý I/2017. Xuất phát từ điều kiện thực tế, tại hội nghị triển khai kế hoạch tái cơ cấu DN nhà nước năm 2017 do Bộ NN&PTNT tổ chức giữa tháng 2/2017, mục tiêu được Bộ NN&PTNT đặt ra là sẽ hoàn thành CPH, IPO VRG trong quý III/2017. Mục tiêu đã lùi, song hiện tại để đạt được mục tiêu đó còn không ít khó khăn.

Theo Bộ NN&PTNT, VRG là đơn vị quản lý nhiều đất đai, lên tới hơn 244.000 ha, trong đó trên 239.300 ha là đất nông nghiệp, hơn 5.300 ha là đất phi nông nghiệp. Đáng chú ý là, VRG không chỉ quản lý nhiều diện tích cao su trong nước mà còn có cả ở nước ngoài (Lào, Campuchia). Bộ NN&PTNT lập luận: Việc CPH đồng thời Công ty mẹ với 20 công ty con của VRG nhằm thực hiện quan lý tốt đất đai, giữ vững được sự ổn định, đặc biệt là đất đai nằm ở địa bàn chiến lược an ninh quốc phòng. Ngoài ra, việc này còn góp phần củng cố nâng cao vị trí vai trò, sức mạnh của Công ty mẹ, tạo quy mô lớn về đất đai, vườn cây, vốn, tài sản, lao động… Sau khi sắp xếp, chuyển thành công ty cổ phần, Công ty mẹ vẫn giữ vai trò chủ đạo trong định hướng phát triển của VRG, đồng thời thu hút được các nhà đầu tư có năng lực tham gia tái cơ cấu tập đoàn.

Xuất phát điểm là thế, song trên thực tế chính việc CPH đồng thời Công ty mẹ và 20 công ty con trong bối cảnh quỹ đất lớn, diện tích trồng cao su lại có cả ở trong và ngoài nước là nguyên nhân quan trọng khiến cho quá trình CPH chậm trễ. Cụ thể, khâu xác định giá trị DN, trong đó điển hình là xác định giá trị vườn cây khá gian nan. “Với khối tài sản lớn, quỹ đất nhiều, khâu xác định giá trị DN của VRG được tiến hành thận trọng. Có những lô đất khi xác định giá trị DN, bộ phận triển khai còn phải có văn bản xin ý kiến trả lời từ chính quyền địa phương. Chỉ riêng khâu xác định giá trị DN của VRG cũng mất cả năm”, một chuyên viên của Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT) cho biết.

Ngoài ra, theo Bộ NN&PTNT, phần lớn các công ty cao su thuộc VRG đều ở vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược phải đi kèm theo đảm bảo đời sống cho người lao động địa phương, đồng thời quản lý hiệu quả đất đai. Đó cũng là một trong những vấn đề cần cân nhắc, xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Đợi... chỉ đạo

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Thời gian qua, VRG đã thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị DN theo quy định về CPH. Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá đối với các DN, công bố chính thức Báo cáo kiểm toán được gửi kèm theo Công văn số 149/KTNN-TH ngày 3/3/2017. Trên cơ sở đó, VRG, công ty tư vấn đã tiếp thu hiệu chỉnh, thực hiện các khuyến nghị của Kiểm toán Nhà nước. “Đến thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác CPH Công ty mẹ - VRG tại văn bản số 5231/BC-BNN-QLDN ngày 23/6/2017, trọng tâm là kết quả xác định giá trị DN và đề xuất xin gia hạn để tiếp tục CPH”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải quan, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chờ chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ cả về việc xác định giá trị DN lẫn việc có tiếp tục đồng ý cho VRG gia hạn để CPH hay không. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo, phương án CPH sẽ nhanh chóng được “chốt” và bắt tay vào triển khai. Một số chuyên gia nhận định, nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án gia hạn để tiếp tục CPH, với tiến độ hiện tại, VRG cũng khó có thể hoàn tất CPH, IPO ngay trong năm 2017 mà phải lấn sang đầu năm 2018.

Đứng từ góc độ DN, có thể thấy, mặc dù có phần “lỗi hẹn” so với lộ trình đề ra trước đó, song hiện tại với đà khởi sắc của ngành cao su, VRG đã khá sẵn sàng, tự tin đợi chờ CPH, IPO. Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG nhận định: Giá cao su năm 2017 chưa thực sự vượt qua khó khăn, song dự kiến trung bình có thể đạt 40 triệu đồng/tấn. Bên cạnh Trung Quốc, hiện VRG cũng đang mở rộng XK sang các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản… Dự kiến, giá cao su còn tăng. Vì vậy, trước mắt, có thể cổ phiếu cao su chưa thực sự hấp dẫn nhưng về lâu dài đây là cổ phiếu có tiềm năng lớn.

Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG:

Dự kiến, giá cao su còn tăng. Vì vậy, trước mắt, có thể cổ phiếu cao su chưa thực sự hấp dẫn nhưng về lâu dài đây là cổ phiếu có tiềm năng lớn.


Theo Hải quan
Bạn đang đọc bài viết Cổ phần hóa vì sao chậm? Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam "khó" do nhiều đất tại chuyên mục Cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận