Cổ phần hóa vì sao chậm? TKV "buộc" phải tái cơ cấu

04/08/2017, 09:39

TCDN -
Hoàn thành cơ bản nhiệm vụ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn trong giai đoạn 2012-2016, song nhiệm vụ trong giai đoạn tới của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được đánh giá còn nhiều khó khăn, nhất là việc CPH Công ty mẹ- Tập đoàn sẽ phải thực hiện vào năm 2019.

Tái cơ cấu về lao động giúp TKV giảm từ 126.000 lao động xuống còn 110.000 lao động. Ảnh: ST.

Thoái hết vốn ngoài ngành

Thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 314/QĐ-TTg ngày 7/2/2013, theo đánh giá của TKV, Tập đoàn đã hoàn hành cơ bản đề án này. Cụ thể, lũy kế từ năm 1998 đến nay, TKV đã CPH được 61 DN đơn vị trong Tập đoàn, trong đó giai đoạn 2001-2005 đã CPH được 31 đơn vị, giai đoạn 2006-2010 đã CPH 16 đơn vị và từ 2011 đến nay đã thực hiện CPH 11 đơn vị. Trong 61 đơn vị đã CPH, TKV cũng tiến hành bán tiếp phần vốn tại 16 DN để giảm tỉ lệ nắm giữ xuống dưới mức chi phối, trong đó đã thoái vốn được toàn bộ phần vốn tại 10 DN. Hiện nay tỉ lệ phần vốn Nhà nước bình quân gia quyền tại 61 DN chỉ là 45,3%. Đối với lĩnh vực than, TKV đã tăng tỉ lệ nắm giữ tại 3 đơn vị sản xuất than, trong đó có 2 đơn vị đã tăng tỉ lệ nắm giữ lên trên 65%.

Riêng về thoái vốn, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV cho hay, TKV đã hoàn thành thoái vốn tại các lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính, trong đó đã hoàn thành sớm việc thoái vốn tại các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm. Đáng chú ý từ cuối năm 2014 đã không còn vốn đầu tư của TKV tại các lĩnh vực này và quá trình thoái vốn thu về tổng số tiền đạt 2.009 tỷ đồng, thặng dư 389 tỷ đồng.

Bổ sung thêm thông tin, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc TKV cho biết, sau khi thực hiện CPH, sắp xếp DN, số đầu mối DN trong TKV đã giảm nhanh từ 66 công ty con (năm 2012) xuống còn 49 công ty con (năm 2016). Bên cạnh đó, TKV coi việc tái cấu trúc quản trị nội bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DN. Theo đó, TKV đã triển khai các biện pháp đồng bộ về quản trị nội bộ như kiện toàn mô hình quản lý, tích cực triển khai áp dụng cơ giới hóa trong khai thác mỏ, hoàn thiện cơ chế quản lý về tăng năng suất, giảm giá thành, đổi mới và tái cơ cấu chất lượng lao động. “Tái cơ cấu về lao động giúp TKV giảm từ 126.000 lao động (năm 2012) xuống còn 110.000 lao động (đầu năm 2017)”, ông Biên chia sẻ.

Cổ phần hóa Công ty mẹ- Tập đoàn trong 2019

Bên cạnh những kết quả đạt được theo đánh giá của TKV, cơ cấu tổ chức hiện tại của Tập đoàn vẫn còn nhiều đầu mối, một số đơn vị còn manh mún, lao động đông, năng suất lao động tăng chậm; điều kiện sản xuất than ngày càng khó khăn, vận chuyển phải đi xa hơn, lợi nhuận suy giảm… Trước những nguy cơ, thách thức về sự suy giảm sức cạnh tranh của TKV trên thị trường, TKV buộc phải tiếp tục tái cơ cấu tổ chức và quản trị doanh nghiệp.

Tại Chỉ thị số 04/CT-TTg về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DN nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “các DN phải tập trung thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, đổi mới, CPH, thoái vốn nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước”. Theo yêu cầu này, ông Biên cho hay, Hội đồng thành viên TKV đã thông qua định hướng, giải pháp tái cơ cấu thuộc TKV đến năm 2020. Tập đoàn cũng đã lập ra tổ công tác triển khai tái cơ cấu góp vốn của TKV tại các DN. Cụ thể, TKV sẽ thoái vốn xuống 51% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Địa chất mỏ và Địa chất Việt Bắc. TKV cũng đẩy mạnh thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà & Hạ tầng và Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Khoáng sản với tỷ lệ thoái vốn xuống mức tương ứng lần lượt là 36% và 65%.

Vị này cho biết thêm, từ tháng 3/2017, TKV chính thức có tờ trình báo cáo Bộ Công Thương và hiện nay đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 của TKV đã được Bộ Công Thương và các bộ thẩm định và chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đề án, TKV tiếp tục tập trung kinh doanh trên 3 lĩnh vực cốt lõi là than, khoáng sản, sản xuất kinh doanh điện và công nghiệp hóa chất mỏ. “Đặc biệt, CPH công ty mẹ - Tập đoàn là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2017-2020. Theo quyết định của Thủ tướng, nhiệm vụ CPH của công ty mẹ sẽ hoàn thành vào năm 2019”, ông Biên cho hay.

Dù đánh giá còn nhiều khó khăn trong quá trình CPH, thoái vốn (ví dụ việc thoái vốn tại Tổng công ty Điện lực – TKV gặp khó khi sản lượng điện huy động có thời điểm, có khu vực còn ở mức thấp, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ chưa được ghi nhận và thanh toán đầy đủ), song TKV vẫn đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, mô hình tổ chức Tập đoàn tinh gọn hơn theo hướng số chi nhánh,văn phòng đại diện trực thuộc Công ty mẹ- Tập đoàn giảm từ 30 đơn vị xuống còn 20 đơn vị, số công ty con giảm từ 47 công ty xuống còn 32 công ty, số công ty liên kết giảm từ 7 công ty xuống còn 2 công ty. Năng suất lao động tổng hợp tăng khoảng 10-15% do việc giảm đầu mối các công ty con, chi nhánh và thực hiện xã hội hóa một số công việc phục vụ, phụ trợ dẫn đến lao động giảm khoảng 10.000 người.

Theo Hải quan

Bạn đang đọc bài viết Cổ phần hóa vì sao chậm? TKV "buộc" phải tái cơ cấu tại chuyên mục Cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận