Cổ phiếu PV OIL bị đưa vào diện cảnh báo

23/03/2023, 15:00
báo nói -

TCDN - Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố quyết định đưa cổ phiếu Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL- Mã chứng khoán: OIL) đang giao dịch trên sàn UPCoM vào diện cảnh báo từ ngày 23/3 với hơn 200 triệu cổ phiếu.

Lý do báo cáo tài chính kiểm toán năm của PV OIL bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên. Công ty phải có văn bản giải trình và đưa ra phương án khắc phục trong thời hạn 15 ngày.

Theo báo cáo hợp nhất năm 2022, kiểm toán đưa ra 3 ý kiến ngoại trừ. Thứ nhất, tổng công ty đang ghi nhận khoản phải thu khác từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với số tiền là hơn 169 tỷ đồng, số dư phải thu khác này liên quan đến khoản thu hồi lỗ lũy kế đến ngày 18/5/2021 là thời điểm Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (PETEC) - công ty con của tổng công ty, chính thức chuyển sang hình thức cổ phần.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Khoản phải thu này phát sinh từ việc xác định phần vốn nhà nước tại PETEC tại ngày 18/5/2021 nhưng đến nay vẫn chưa được tập đoàn và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán. Do đó, kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị ghi sổ của khoản phải thu khác nói trên tại ngày 31/12/2022. Do đó, kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu hay không.

Thứ hai, liên quan đến giá trị của các lô đất của PV OIL Sài Gòn. Đây là 6 lô đất đầu tư để xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng nhưng chưa hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng sang tên hoặc chưa được gia hạn thời gian thuê đất.

Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về quyền sử dụng đất và thời gian thuê đất nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu hay không.

Thứ ba là khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (chủ đầu tư Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ) với giá trị gần 273 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021. Hiện nay Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí đã được đề nghị xem xét phương án giải thể, phá sản theo quy định pháp luật. Kiểm toán không thu thập được đầy đủ các thông tin về những thay đổi phần vốn góp.

Trong thông cáo mới phát hành, PV OIL cho biết các điểm kiểm toán ngoại trừ nêu trên là những vấn đề xảy ra từ trước cổ phần hóa, đã tồn tại trên báo cáo tài chính ngay từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần.

PV OIL đã có nhiều nỗ lực để giải quyết, tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan liên quan đến cơ chế, chính sách của nhà nước nên các vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Doanh nghiệp khẳng định các điểm ngoại trừ nói trên đều không ảnh hưởng trọng yếu đến định hướng kinh doanh và cũng không ảnh hưởng đến việc tồn tại của cổ phiếu OIL.

Bên cạnh việc nỗ lực nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh như nêu trên, PV OIL cũng đang hướng tới mục tiêu đưa cổ phiếu OIL lên niêm yết tại sàn Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) để tăng tính thanh khoản và giá trị cổ phiếu, tối ưu quyền lợi cho cổ đông.

PV OIL cam kết trong thời gian tới sẽ nỗ lực hơn nữa để khắc phục tình trạng “cảnh báo” nêu trên, góp phần đáp ứng các điều kiện chuyển cổ phiếu OIL sang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cụ thể đối với Điểm ngoại trừ số 1: PV OIL sẽ tích cực làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để tìm kiếm giải pháp xử lý triệt để trên tinh thần hài hòa giữa lợi ích của cổ đông và tuân thủ quy định của pháp luật.

Đối với Điểm ngoại trừ số 2: PV OIL sẽ tiếp tục kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa đối với các cơ quan quản lý cấp trên để giải quyết triệt để vấn đề quyết toán cổ phần hóa PETEC.

Đối với Điểm ngoại trừ số 3: PV OIL sẽ quyết liệt hơn nữa trong làm việc với cơ các cơ quan quản lý địa phương nhằm hoàn thiện thủ tục pháp lý các lô đất của PVOIL Sài Gòn.

Dữ liệu tài chính năm 2022 thể hiện, doanh thu thuần của PV OIL đạt 103.729 tỷ đồng, tăng 79% so với năm 2021 và là con số cao nhất từ trước đến nay. Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty còn 726 tỷ đồng, tương đương giảm 6%.

Năm 2022, PV OIL đặt mục tiêu 45.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 23% và 48% so với năm 2021.

Hết năm 2022, tổng tài sản PV OILđạt 28.968 tỷ đồng, tăng 6,5% so với số đầu kỳ. Nợ phải trả của PVOil đạt mức 17.650 tỷ đồng, chiếm 61% trong cơ cấu nguồn vốn của tổng công ty.

Sau kiểm toán, số lỗ luỹ kế hợp nhất của Công ty còn 185,5 tỷ đồng, tức giảm khoảng 250 tỷ đồng so với trước soát xét. Như vậy, so với thời điểm cổ phần hóa vào tháng 12/2017, PV OIL đã giảm được 1.490,87 tỷ đồng tiền lỗ lũy kế từ 1.676,4 tỷ đồng xuống còn hơn 185 tỷ đồng. 

Hiện tại, 201,4 triệu cổ phiếu PV OIL đang giao dịch trên sàn UPCoM và tạm dừng ở 8.700 đồng/cp chốt phiên 22/3.

Hải Đăng
Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu PV OIL bị đưa vào diện cảnh báo tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

PV Oil có Chủ tịch và Tổng giám đốc mới
Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), vừa được trao quyết định làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), đồng thời, bổ nhiệm ông Đoàn Văn Nhuộm giữ chức Tổng giám đốc PV Oil.
PVOIL sắp dứt điểm lỗ lũy kế sau 5 năm cổ phần hóa
Tổng công ty Dầu Việt Nam vừa thông báo tin vui khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp giảm 250 tỷ đồng sau kiểm toán. Như vậy, sau 5 năm cổ phần hóa, khoản lỗ lũy kế doanh nghiệp này giảm xuống còn hơn 185 tỷ đồng so với hơn 1.676 tỷ đồng ban đầu.
Bắt giam cựu Tổng giám đốc PVOil
cựu Tổng giám đốc PVOil Nguyễn Xuân Sơn Sơn (61 tuổi) bị điều tra về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 vì có liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm.