Có thể cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024
TCDN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024.
Phát biểu bế mạc diễn đàn Kinh tế -Xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội nửa nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được những thành tựu không nhỏ, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần củng cố tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, bối cảnh thế giới hiện nay ngày càng phức tạp và khó lường, điều này đặt ra vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh và nâng cao năng lực trong quá trình tổ chức, thực thi và thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả với sức lan tỏa lớn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nguồn nhân lực được coi là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới cho rằng giải pháp chủ yếu để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn nằm ở việc cải thiện các đặc điểm của lực lượng lao động trẻ hiện nay.
Trên cơ sở đó, cần mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (chú trọng kỹ năng, đạo đức kinh doanh...), tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, chú trọng đầu tư, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai...
Đáng lưu ý, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024. Đây cũng là một cú hích cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. “Đây là cải cách chứ không phải tăng lương bình thường. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm chúng ta có thể áp dụng là từ 1/7/2024”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về vận dụng, khai thác hiệu quả "ngoại lực", ông nói cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững.
Đây là những động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam, tuy nhiên đến nay đang có dấu hiệu suy giảm hoặc chậm lại.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899