Công ty liên quan VNPT phải bồi thường 626 tỷ đồng cho đối tác Hàn Quốc vì vụ EPAY

31/12/2021, 15:11

TCDN - Theo phán quyết, Truyền thông VMG phải bồi thường 626 tỷ đồng do công ty này đã cung cấp thông tin không đúng sự thật về hoạt động của EPAY trong hợp đồng bán cổ phần của Công ty Cổ phần Thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY).

Truyền thông VMG phải bồi thường 626 tỷ đồng cho đối tác Hàn Quốc.

Truyền thông VMG phải bồi thường 626 tỷ đồng cho đối tác Hàn Quốc.

Công ty Truyền thông VMG (Mã chứng khoán: ABC) vừa thông báo nhận được phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore cho vụ tranh chấp giữa Global Payment Service/UTC Investment (GPS là quỹ đầu tư được thành lập và quản lý bởi UTC, cả hai có trụ sở tại Hàn Quốc) với công ty.

Theo kết quả phán quyết, Truyền thông VMG đã vi phạm một số Bảo đảm theo hợp đồng, vi phạm một số cam kết đã thỏa thuận và vi phạm khi đã cung cấp thông tin không đúng sự thật về hoạt động của Epay trong hợp đồng bán cổ phần tại Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY) cho GPS/UTC.

Truyền thông VMG có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho GPS/UTC số tiền tương đương 626 tỷ đồng tại thời điểm 21/10/2021. Ngoài ra, VMG còn phải chịu mức lãi suất 5,33% cho khoản bồi thường kể từ ngày 21/10 cho tới thời điểm thanh toán toàn bộ số tiền bồi thường cho GPS/UTC.

Công ty Truyền thông VMG thành lập năm 2006, hiện có vốn điều lệ 204 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông của VMG, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chiếm 28,3% vốn điều lệ. Hai cổ đông lớn còn lại là NTT Docomo (24,5%) và Yellow Star Investment (22,1%). EPAY trước đó là công ty con do Truyền thông VMG sở hữu 62,25% vốn điều lệ, chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.

Vào năm 2017, VMG bán lại hơn 62% cổ phần VNPT EPAY cho đối tác Hàn Quốc. Phía doanh nghiệp Hàn Quốc sau đó nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty thanh toán này lên 65%, còn 35% còn lại do VNPT nắm giữ.

Thương vụ trên giúp VMG thu về hơn 500 tỷ đồng, tương đương 7 lần so với khoản đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, đến năm 2019, VMG bị đối tác khởi kiện ra tòa trọng tài đòi bồi thường 756 tỷ đồng với lý do doanh nghiệp Việt Nam phản ánh không trung thực và chính xác tình hình tài chính của VNPT EPAY. Vì vậy, phía đối tác Hàn Quốc đã đưa ra quyết định chưa chính xác trong việc mua bán cổ phần EPAY.  

Tuy nhiên, đến năm 2019, GPS khởi kiện VMG ra tòa, đòi bồi thường 756 tỷ đồng với lý do phía VMG phản ánh không trung thực và chính xác tình hình tài chính của VNPT EPAY dẫn đến GPS đưa ra quyết định chưa chính xác trong việc mua bán cổ phần EPAY.

Cụ thể, VNPT EPAY là một trong những doanh nghiệp trung gian trong đường dây đánh bạc liên quan đến Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương. Theo Bộ Công an, số tiền hơn 9,5 nghìn tỷ thu được qua các cổng thanh toán của đường dây, những doanh nghiệp trung gian thanh toán như VNPT EPAY hưởng gần 260 tỷ đồng. EPAY đã thực hiện nâng khống 49 tờ hóa đơn với tổng giá trị 657 tỷ đồng và bị buộc phải nộp 51 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính vào ngân sách Nhà nước.

Năm 2019, VMG cũng đã phải đặt cọc tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế để thực hiện việc hòa giải liên quan vụ kiện trên. Đồng thời, VMG đã trích lập dự phòng khoản phải trả cho GPS 210 tỷ đồng đến cuối năm 2020.

Do khoản trích lập dự phòng nói trên, năm 2020, VMG báo lỗ sau thuế 178 tỷ đồng dù doanh thu đạt gần 3.373 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2020 của VMG tăng 20% so với năm 2019, VMG cho biết phần lớn chi phí này để trang trải cho phí vụ kiện EPAY và thuê luật sư nước ngoài. 

Theo báo cáo tài chính mới nhất quý III/2021, Truyền thông VMG đã có ghi nhận khoản dự phòng phải trả đối với hợp đồng chuyển nhượng VNPT EPAY con số 218 tỷ đồng, bao gồm truy thu thuế, phạt thuế, tiền thuế chậm nộp và thỏa thuận tuân thủ pháp luật.

9 tháng đầu năm, đơn vị báo cáo doanh thu giảm mạnh 62% xuống 1.135 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 61% xuống 12,4 tỷ đồng.

Quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp hiện chỉ đạt 832 tỷ đồng, theo đó số tiền bồi thường chiếm đến 75% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 373 tỷ đồng do có khoản lỗ lũy kế gần 120 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của VMG đang được giao dịch ở vùng giá 13.800 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa doanh nghiệp tương ứng chưa đến 300 tỷ đồng. Trong năm qua, cổ phiếu công ty này cũng giảm mạnh 25%.

Phượng Hoàng
Bạn đang đọc bài viết Công ty liên quan VNPT phải bồi thường 626 tỷ đồng cho đối tác Hàn Quốc vì vụ EPAY tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Xử lý tranh chấp liên quan đến hợp đồng thương mại quốc tế
Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á-Thái Bình Dương (CACCI) tổ chức hội thảo: “Nhận biết và xử lý tranh chấp thực tế liên quan đến hợp đồng thương mại quốc tế và việc áp dụng Incoterms”.
Ông Tô Dũng Thái làm Chủ tịch VNPT
Ông Tô Dũng Thái, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên.