Công ty nông, lâm nghiệp: Chưa giải thể nếu chưa thanh toán hết nợ VDB

16/12/2019, 16:51

TCDN - Các công ty nông, lâm nghiệp không đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nên chưa phê duyệt được phương án giải thể.

Nếu không đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác (còn nợ VDB), các Công ty nông, lâm nghiệp chưa được phê duyệt phương án giải thể

Nếu không đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác (còn nợ VDB), các Công ty nông, lâm nghiệp chưa được phê duyệt phương án giải thể

Thống kê từ các địa phương cho thấy, hiện có 160/256 công ty hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo quy định của pháp luật với mô hình mới (đạt 62,5%). Đáng chú ý, đã hoàn thành giải thể 13/28 công ty đạt 46,4%, gồm công ty nông nghiệp 4/12 đơn vị (đạt  33,33%), công ty lâm nghiệp 9/16 đơn vị (đạt 56,25%). Các công ty thực hiện giải thể đều trong tình trạng quản trị yếu kém, thua lỗ kéo dài, không quản lý được vườn cây, đất đai, giá trị tài sản thấp, không có khả năng trả nợ. Nhiều công ty không đủ cân đối chi trả chế độ cho người lao động, thanh toán các khoản nợ vay... nên việc thực hiện giải thể đang gặp nhiều khó khăn. 

Một số địa phương đề nghị chuyển sang phá sản doanh nghiệp. Đơn cử như: Công ty nông nghiệp Quý Cao (Hải Phòng); Công ty lâm nghiệp Trà Tân (Quảng Ngãi); Lâm trường Lục Yên, Lâm trường Văn Yên (Yên Bái). Tuy nhiên, Nghị quyết 30-NQ/TW, cũng như Nghị định 118/2014/NĐ-CP không quy định phá sản công ty nông, lâm nghiệp trong quá trình sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tài chính, tại khoản 2, Điều 201, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về thành lập, tổ chức lại, giải thể Công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu quy định, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Tuy nhiên, hiện nay các công ty đều không đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác (còn nợ VDB) nên chưa phê duyệt được phương án giải thể đối với các công ty.

Ngoài ra, tại báo cáo của VDB (công văn số 1747/NHPT-TDĐT ngày 27/8/2018) về vướng mắc của UBND tỉnh Sơn La khi thực hiện phương án giải thể các công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh, VDB đã đề xuất giải pháp: Để thực hiện giải thể các công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh đang có nghĩa vụ nợ tại VDB, đề nghị UBND tỉnh Sơn La giao cho một đơn vị khác trực thuộc UBND tỉnh ký nhận phần nợ còn lại (gốc, lãi) của các công ty tại VDB để tiếp tục theo dõi, xử lý. Đề nghị cơ quan chủ sở hữu các công ty nông, lâm nghiệp tham khảo đề xuất của NHPT nêu trên để xem xét, thực hiện.

Về xử lý công nợ các khoản nợ vay, nợ cũ (kể cả nợ gốc, nợ lãi) tại các công ty nông, lâm nghiệp khi thực hiện sắp xếp đổi mới, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau: Đối với các khoản nợ (nợ phải thu khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi, nợ phải trả tồn đọng, nợ ODA phải trả quá hạn...) của các công ty nông, lâm nghiệp khi thực hiện chuyển đổi: tiếp tục duy trì, củng cố theo hình thức Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cổ phần hóa, chuyển sang công ty TNHH hai thành viên đã được quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư số 51/2015/TT-BTC ngày 17/4/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về xử lý tài chính khi sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Các khoản nợ vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) của các công ty nông, lâm nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 51/2015/TT-BTC ngày 17/4/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về xử lý tài chính khi sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp quy định: Việc xử lý các khoản nợ phải trả tồn đọng khác thực hiện theo quy định tại Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013 của Chính phủ về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan. Do đó, hiện tại VDB chưa thực hiện được việc xử lý tài chính, xử lý các khoản nợ quá hạn trong trường hợp chuyển đổi, giải thể các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.

Trong khi đó, Thông tư số 11/2015/TT-NHNN ngày 20/8/2015 của Ngân hàng nhà nước chỉ hướng dẫn xử lý nợ vay của các công ty nông, lâm nghiệp tại các ngân hàng thương mại, nên không thể áp dụng đối với VDB.

Tại Điều 13 Nghị định số 206/2013/NĐ-CP quy định việc xử lý các khoản nợ quá hạn của các doanh nghiệp vay tại Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, chưa có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các khoản nợ quá hạn của doanh nghiệp tại VDB. (Quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại VDB, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành).

Hiện Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại VDB (tại công văn số 7777/BTC-TCNH ngày 08/7/2019). Theo đó, tại dự thảo Quyết định đã quy định các trường hợp được xem xét xử lý rủi ro như: khách hàng bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, bệnh dịch, hỏa hoạn,... khách hàng bị phá sản, giải thể theo quy định hiện hành; khách hàng là doanh nghiệp nhà nước phải xử lý tài chính để thực hiện chuyển đổi sở hữu...và dự thảo Quyết định đã đề xuất các biện pháp xử lý rủi ro như: Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; gia hạn nợ vay; khoanh nợ; xóa nợ lãi; xóa nợ gốc; xử lý tài sản đảm bảo; bán nợ; chuyển theo dõi ngoại bảng (VDB sẽ thẩm định hồ sơ và xử lý từng trường hợp cụ thể). Do đó, các khoản nợ vay tín dụng đầu tư của các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP sẽ được xem xét, xử lý sau khi Quy chế xử lý rủi ro tại VDB được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Công ty nông, lâm nghiệp: Chưa giải thể nếu chưa thanh toán hết nợ VDB tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan